Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Quốc tế Lao động 1-5

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 có ý nghĩa quan trọng với giai cấp vô sản nói riêng và tất cả mọi người lao động trên thế giới nói chung. Vậy ngày Quốc tế Lao động đã ra đời và có ý nghĩa như thế nào?

Ngày 1-5 hàng năm là ngày Quốc tế Lao động, một ngày hội đối với tất cả những người lao động trên thế giới, ngày để những người công nhân - một giai cấp lớn trong nhiều nước đang phát triển và phát triển hiện nay nhắc về cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân trong lịch sử trước tình trạng bị bóc lột sức lao động nặng nề trong một thời gian làm viêc quá dài.

Có thể nói, ngày Quốc tế Lao động là ngày nhắc nhở những người công nhân nói riêng và những người đang làm việc nói chung ý thức về quyền lợi của người lao động, nhất là trong vấn đề thời gian lao động.

 

Ngày Quốc tế Lao động diễn ra vào 1/5 hàng năm.
Ngày Quốc tế Lao động diễn ra vào 1-5 hàng năm.

Cuộc đấu tranh ngày làm việc 8 giờ của giai cấp công nhân

Trong lịch sử thế giới, sự hình thành của giai cấp tư bản kéo theo sự ra đời của giai cấp công nhân - những người chuyên đi làm thuê cho tư bản để được đảm bảo cuộc sống cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, giới tư bản năm quyền lực, tài chính trong tay luôn tìm cách gia tăng giá trị thặng dư bằng nhiều cách, trong đó có cách tăng giờ làm việc của người công nhân trong khi đồng lương của họ không được cải thiện. Chính vì vậy, những cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới từ tự phát đến tự giác đã nhanh chóng nổ ra với khẩu hiệu: “Đòi tăng lương, giảm giờ làm”.

Ngay sau khi thành lập Quốc tế I năm 1864, Mác coi việc rút ngắn thời gian lao động là nhiệm vụ đấu tranh của giai cấp vô sản. Tại Đại hội I Quốc tế I họp tại Giơ-ne-vơ tháng 9-1866 vấn đề đấu tranh cho giai cấp công nhân ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ trước mắt. Khẩu hiệu ngày làm 8 giờ sớm xuất hiện trong một số nơi của nước Anh - đất nước có nền công nghiệp phát triển sớm nhất rồi dần lan sang các nước khác.

Trước đó, từ năm 1827, phong trào đòi làm việc 8 giờ đã phát triển mạnh ở nước Mỹ đi đôi với sự nảy nở và phát triển phong trào Công đoàn. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ấn định ngày làm 8 giờ trong các cơ quan, xí nghiệp thuộc Chính phủ. Nhưng xí nghiệp tư nhân vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.

Tháng 4-1884, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn lao động Mỹ thông qua Nghị quyết nêu rõ: từ ngày 1-5-1886 ngày lao động của tất cả công nhân sẽ là 8 giờ. Ngày 1-5-1886, công nhân toàn thành phố Chicago tiến hành bãi công, 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mít tinh, biểu tình khắp thành phố với khẩu hiệu chỉ làm việc 8 giờ/ngày và cuộc đấu tranh lôi cuốn ngày càng đông người tham gia.

Cùng ngày đó, các trung tâm công nghiệp ở nước Mỹ đã nổ ra 5.000 cuộc bãi công với 340 nghìn công nhân tham gia. Ở một số nơi như New York, Washington, Baltimore,… có khoảng 12 vạn rưỡi công nhân giành được quyền làm việc 8 giờ một ngày. Có thể nói, khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của toàn thể giai cấp công nhân.

 

Công nhân thế giới đấu tranh ngày làm việc 8 giờ.
Công nhân thế giới đấu tranh ngày làm việc 8 giờ.

Trước tình hình đó, cảnh sát các thành phố đã tiến hành đàn áp những người biểu tình. Đặc biệt ở thành phố Chicago, cảnh sát đã tàn sát đẫm máu cuộc đấu tranh, làm hơn một trăm người chết, nhiều thủ lĩnh Công đoàn bị bắt và bị kết án tử hình.

Mặc dù cuộc bãi công ở Chicago bị trấn áp nhưng ý chí và việc lên tiếng đòi quyền lợi thiết thực của nhóm công nhân này đã gây chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Công nhân nhiều nước đã đồng tình và hưởng ứng yêu sách của công nhân Chicago.

Vì thế, trong Đại hội thành lập Quốc tế II do Ph.Ăng-ghen lãnh đạo họp ngày 14-7-1889, đại biểu của giai cấp công nhân thông qua Nghị quyết lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày đoàn kết đấu tranh của giai cấp vô sản toàn thế giới. Thực hiện Nghị quyết trên, năm 1890 lần đầu tiên ngày Quốc tế lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới.

Ở các nước xã hội chủ nghĩa đã coi là ngày 1-5 là ngày mừng thắng lợi đòi bình quyền cho giai cấp công nhân, nêu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mới và biểu lộ tình đoàn kết với những người lao động các nước khác. Ở các nước thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa, ngày 1-5 là ngày biểu dương cho lực lượng lao động, đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, tiến bộ xã hội.

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 du nhập vào Việt Nam thế nào?

 

Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh ngày làm việc 8 giờ của công nhân Việt Nam năm 1930-1931.
Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và cuộc đấu tranh ngày làm việc 8 giờ của công nhân Việt Nam năm 1930-1931.

Là một đất nước chịu ách đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp, sau cuộc khai thác thuộc địa lần 1 và lần 2 của Pháp, giai cấp công nhân Việt Nam đã được hình thành và phát triển nhanh chóng về số lượng. Cũng giống như công nhân ở nhiều nước trên thế giới, công nhân Việt Nam cũng bị bóc lột nặng nề và ngày phải làm việc 10 -12 giờ. Từ thực tế và vai trò của giai cấp công nhân, khi xác định con đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp đô hộ ở nước ta là cuộc cách mạng vô sản, nòng cốt là giai cấp công nhân.

Vì thế, sau khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1-5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình. Cuộc đấu tranh ngày 1-5-1930 là một bước ngoặt của cao trào cách mạng 1930 – 1931, từ thành thị đến nông thôn trên mọi vùng miền, nhất là vùng Nghệ Tĩnh, công nhân nói riêng và công nhân nói chung đã tổ chức mít tinh, biểu tình thị uy lần đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng dẫn vận động của Công hội. Tại đây, công nhân ta biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5 đấu tranh đòi quyền lợi, tỏ tình đoàn kết với công nhân lao động thế giới.

Từ sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4-1975 đến nay, ngày 1-5 vừa là điểm hẹn vừa là điểm xuất phát của nhiều phong trào thi đua lao động xây dựng quê hương của công nhân lao động.

Ngày nay, ngày Quốc tế lao động là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động 1-5 trên thế giới, nước ta cho những người lao động được nghỉ việc ngày này để mọi người được nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.

Theo vietq.vn

Có thể bạn quan tâm