Kinh tế

Doanh nghiệp

Tìm hướng đột phá cho nền kinh tế Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Nếu có khát vọng phát triển, phải đặt mục tiêu cao” là một trong những định hướng quan trọng mà PGS. TS Trần Đình Thiên-nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đưa ra sau chuyến khảo sát tình hình phát triển kinh tế-xã hội tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai  theo lời mời của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cùng với đó, các thành viên Tổ tư vấn kinh tế còn đưa ra nhiều gợi ý cụ thể trong phát triển du lịch, đô thị, thu hút đầu tư.
Từ ngày 4 đến 7-9, đoàn chuyên gia tư vấn kinh tế-xã hội do PGS.TS Trần Đình Thiên dẫn đầu đã tham quan và khảo sát các điểm du lịch tiêu biểu, một số dự án đầu tư và mô hình kinh tế tại các huyện: Chư Sê, Chư Pah, Đak Đoa và TP. Pleiku. Tham gia đoàn có PGS.TS Nguyễn Xuân Dũng-nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học Xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), TS. Dương Đình Giám-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương), PGS.TS Phạm Trung Lương-nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch).
Chú trọng liên kết và phát triển sản phẩm du lịch
Sau khi khảo sát một số điểm du lịch tiêu biểu như: thác Phú Cường, vườn chè Biển Hồ và núi lửa Chư Đăng Ya, PGS.TS Phạm Trung Lương đánh giá: “Du lịch Gia Lai chưa có gì nổi bật”. Tiếp đó, ông đã đưa ra hàng loạt câu câu hỏi: Mặc dù Gia Lai có nhiều điểm đến nhưng tại sao không thu hút được khách? Tại sao bức tranh du lịch vẫn chưa nổi bật? “Là vì chúng ta chưa có những sản phẩm du lịch. Chúng ta có Hàm Rồng, có Chư Đăng Ya, có Biển Hồ, cả di tích dương lẫn di tích âm, nhưng chưa được khai thác hết. Chúng ta thiếu các sản phẩm du lịch nên chưa hút được khách. Ví dụ, Hàn Quốc có đảo Jeju cũng là núi lửa và họ đã biết cách khai thác tất cả các sản phẩm từ đó để thu hút khách du lịch, đơn giản như cho khách mang về 1 hòn đá lấy từ núi lửa Jeju chẳng hạn. Đối với Việt Nam, núi lửa Chư Đăng Ya chính là một sản phẩm mới”-PGS.TS Phạm Trung Lương phân tích.
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tham quan núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: H.D
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tham quan núi lửa Chư Đăng Ya (huyện Chư Pah). Ảnh: H.D
Cũng liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Trung Lương cho rằng, chỉ cần Gia Lai nghiên cứu cho được một sản phẩm du lịch đặc biệt, đặc thù, tiêu biểu thì sẽ thu hút được du khách. Ông chỉ rõ: “Mũi Né có sản phẩm là resort. Khi có resort, du lịch Bình Thuận phát triển ngay. Tôi thấy sản phẩm về văn hóa như cồng chiêng, lễ bỏ mả... gắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng phải thổi văn hóa vào đấy. Chúng ta nên “du lịch hóa lễ hội”, có thể phát triển cồng chiêng Tây Nguyên thành lễ hội mang tính quốc gia. Du lịch nghỉ dưỡng núi lửa cũng là một chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam, trong khi Gia Lai có Biển Hồ, gắn với núi lửa Chư Đăng Ya, lại gần đô thị, rõ ràng đây là sản phẩm tốt. Vấn đề còn lại là làm sao thu hút được doanh nghiệp mạnh vào đầu tư. Nếu chúng ta có quy hoạch khu đấy thì Chính phủ cũng sẽ có những trách nhiệm nhất định về hạ tầng. Du lịch thể thao Gia Lai cũng có tiềm năng như trải nghiệm hệ thống núi lửa, cái này chúng ta có thể phát triển đi trước, độc quyền luôn; hay hệ thống vượt thác ghềnh như hạ lưu hồ Ia Ly và hàng lưu niệm. Cả nước đang đau đầu về chuyện chúng ta chưa có sản phẩm lưu niệm đặc sắc, nhưng Gia Lai thì có. Như tượng gỗ Tây Nguyên, chúng ta có thể thu nhỏ lại thành sản phẩm lưu niệm”.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, muốn du lịch Gia Lai phát triển, ngoài nỗ lực tự thân còn phải biết liên kết với các tỉnh khác như: Đak Lak, Kon Tum... trong xây dựng chuỗi giá trị du lịch. Khi đó, Gia Lai vừa trở thành điểm trung chuyển, vừa là điểm đến của khách du lịch. Bên cạnh đó, tỉnh cần liên kết với tỉnh Bình Định nói riêng và cả vùng Duyên hải miền Trung nói chung.
“Kéo” cho được doanh nghiệp lớn 
Trong chuyến khảo sát này, đoàn chuyên gia đã đến tham quan một số mô hình kinh tế và đầu tư của tỉnh như: vườn dược liệu ở xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê), Nhà máy Đường An Khê, Nhà máy chế biến rau quả của DOVECO Gia Lai (huyện Mang Yang), vùng trồng khoai lang Lệ Cần (huyện Đak Đoa), Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah... Qua khảo sát, các chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng về phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh.
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tham quan vườn dược liệu ở xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê). Ảnh: H.D
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tham quan vườn dược liệu ở xã Ia Hlốp (huyện Chư Sê). Ảnh: H.D
Theo TS. Dương Đình Giám: “Tỉnh cần phát triển công nghiệp chế biến theo hướng liên kết. Như mô hình của DOVECO có sự liên kết giữa người dân, địa phương với doanh nghiệp. Khi quy hoạch trồng cây công nghiệp cần gắn với việc chế biến nông sản để tăng tính bền vững. Còn về phát triển năng lượng tái tạo, Gia Lai có tiềm năng lớn. Nhưng khi phát triển, đặc biệt là điện gió sẽ chiếm diện tích rất lớn, có thể sẽ ảnh hưởng tới đất sản xuất nông nghiệp của người dân nên tỉnh cần cân nhắc. Xu hướng phát triển công nghiệp nói chung là công nghiệp sạch, Gia Lai cũng phải bắt đầu từ bây giờ, đừng để quá muộn”.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên thì định hướng: “Chúng tôi đã đi và thấy Gia Lai là vùng đất rất có tiềm năng để phát triển thành trung tâm của vùng. Song nếu có khát vọng phát triển, phải đặt ra mục tiêu cao, đó là phải kéo được một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư cho tỉnh, như DOVECO, như FLC. Muốn làm được điều đó thì tỉnh phải tạo được sức hấp dẫn cho các doanh nghiệp lớn như về quỹ đất, về cải cách thủ tục hành chính, về nguồn nguyên liệu...”.
Các thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ còn đặc biệt quan tâm tới vấn đề phát triển đô thị. Tại buổi làm việc với các chuyên gia, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân cho biết: “Pleiku đang phát huy lợi thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh nhằm mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố thành vùng động lực quan trọng nhất của tỉnh. Pleiku sẽ là đô thị văn minh, thành phố vì sức khỏe”. Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên thẳng thắn nêu ý kiến: “Tôi đặc biệt quan tâm tới tầm nhìn đô thị. Tây Nguyên nói chung, tôi có cảm tưởng chưa có tầm nhìn tốt. Đô thị thông minh là yêu cầu bắt buộc rồi, nhưng chức năng đô thị của ta là cái gì? Đô thị vì sức khỏe là cái gì, hướng tới đối tượng nào? Tất cả phải được xây dựng một cách cụ thể. Thành phố Pleiku phải nỗ lực xây dựng sao cho trở thành một đô thị có sức lan tỏa”.
Sau khi nghe những đánh giá, nhận xét và các giải pháp sơ bộ về định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh của các chuyên gia, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh-đề nghị: “Tỉnh Gia Lai rất mong muốn các chuyên gia tiếp tục khảo sát hết cả 17 huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình và góp ý cho tỉnh những vấn đề cần thiết trong phát triển kinh tế-xã hội. Tỉnh cũng mong muốn các chuyên gia ở đây giúp cho tỉnh một đề án phát triển kinh tế-xã hội riêng trong thời gian tới”.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, đây là chuyến khảo sát đầu tiên của đoàn. Sắp tới, đoàn sẽ tổ chức thêm nhiều chuyến khảo sát tới các địa phương khác để nắm bắt tình hình và có những đánh giá, nhận định sát sườn hơn, từ đó mới có những giải pháp riêng chính xác hơn cho từng lĩnh vực. Hy vọng, với sự giúp sức của các chuyên gia đầu ngành, kinh tế-xã hội của Gia Lai sẽ sớm khẳng định vị thế của mình trong khu vực và cả nước.
 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm