Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất, nhiều đầu sách hiếm tại kho Địa chí của Thư viện tỉnh Gia Lai đã đáp ứng nhu cầu nghiên cứu tài liệu của độc giả hay đôi khi chỉ là mong ước tìm về ký ức thời gian khi được cầm trên tay một cuốn sách xưa cũ.

Kho Địa chí của Thư viện tỉnh hiện có khoảng 1.400 đầu sách, trong đó, sách hiếm khoảng 500 cuốn. Số sách này đa dạng về thể loại, từ sách lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội cho đến sách văn học… song, đều viết về địa phương hoặc của các tác giả địa phương.

Tìm ký ức thời gian qua sách hiếm-bg.jpg
Nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai sắp xếp, lau dọn sách tại kho Địa chí. Ảnh: L.N

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa-Trưởng phòng Kỹ thuật Nghiệp vụ (Thư viện tỉnh) giới thiệu với chúng tôi về số sách hiếm mà độc giả chỉ được đọc tại chỗ, không được mượn về vì chỉ có bản lưu duy nhất tại đây. Màu thời gian lưu dấu trên những bìa sách đơn sơ, ruột sách là loại giấy đen xỉn song thông tin cực kỳ đáng giá.

Chị Hoa cho hay, ngoài sách xuất bản trong nước, kho Địa chí còn có nhiều tài liệu Pháp văn, Anh văn và cả Nga văn được photocopy từ nguồn của Thư viện Quốc gia Việt Nam, chủ yếu là các nghiên cứu về phong tục tập quán cư dân Tây Nguyên.

Những người làm công tác nghiên cứu có thể tìm thấy tại đây nhiều tư liệu quý để đối chiếu, so sánh thông qua các đầu sách như: Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Gia Lai-Kon Tum; Tóm tắt sự hình thành và phát triển của các lực lượng vũ trang nhân dân tỉnh Gia Lai-Kon Tum qua các thời kỳ cách mạng (8/1945-12/1979); Các vùng tự nhiên Tây Nguyên; Danh lục thực vật Tây Nguyên; Báo cáo khoa học về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế-xã hội…

Chiếm số lượng lớn hơn cả là sách về văn hóa Tây Nguyên mà nhiều cuốn trong số này không còn tái bản như: Các dân tộc tỉnh Gia Lai-Công Tum; Nhà rông các dân tộc Bắc Tây Nguyên; Hoa văn các dân tộc Gia Rai-Ba Na; Nghệ thuật cồng chiêng; Gìn giữ, phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc…

Những ấn phẩm này có sự tham gia biên soạn, viết bài, sưu tầm của nhiều tác giả tên tuổi khi đó như: Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, Giáo sư Tô Ngọc Thanh cùng một số nghệ sĩ được yêu mến của Gia Lai như Nghệ sĩ Nhân dân Y Brơm, Nghệ nhân Ưu tú H’Ben, họa sĩ Xu Man…

Chị Trần Ngô Thị Bé Linh-Giáo viên môn Địa lý Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (TP. Pleiku) cho biết: Trong quá trình tham gia biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, chị đã đến kho Địa chí của Thư viện tỉnh tìm kiếm tư liệu liên quan.

“Sách ở đây rất quý hiếm, đáp ứng nhu cầu của giới nghiên cứu. Có cuốn in từ rất lâu rồi nên một số chỗ đọc không rõ chữ nhưng lại có nhiều thông tin quý mà hiện giờ không thể tìm thấy trên mạng internet”-chị Linh nói.

2cuonsach.jpg
Những cuốn sách được ấn hành cách đây trên dưới nửa thế kỷ và là bản lưu duy nhất tại Thư viện tỉnh Gia Lai. Ảnh: L.N

Những người yêu văn học-nghệ thuật, văn nghệ dân gian cũng sẽ tìm thấy nhiều tác phẩm thú vị ấn hành từ cách đây mấy mươi năm như: Cây kơ nia; Truyện cổ Gia Lai-Kon Tum; Trường ca Tây Nguyên; Chim Tây Nguyên; Thú rừng Tây Nguyên hay các số tạp chí Văn nghệ Gia Lai-Kon Tum từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Không ít tác giả góp mặt trong các tập sách, tạp chí này giờ đã là các cây bút có tiếng trên văn đàn, thi đàn như: Trung Trung Đỉnh, Văn Công Hùng, Phạm Đức Long...

Không chỉ mang đến cái nhìn tổng quan về ấn bản mang dấu ấn của từng thời kỳ, các trang sách xưa còn khiến độc giả chợt thấy như được chạm vào một phần ký ức thời gian, xứ sở. Những gì còn lại, những gì đã qua đi đều mang giá trị và ý nghĩa riêng nào đó.

Trò chuyện với P.V, bà Nguyễn Thị Thủy-Giám đốc Thư viện tỉnh-cho biết: Công tác bảo quản số sách hiếm gặp một số khó khăn do diện tích phòng lưu trữ chật hẹp; cách thức bảo quản đơn sơ, chủ yếu là lau dọn, phun thuốc chống mối mọt. Để đối phó với sự xuống cấp trước tác động không mong muốn, nhiều cuốn trong số này đã được ưu tiên số hóa, nhất là sách, tài liệu nghiên cứu về Tây Nguyên.

Hiện nay, Thư viện tỉnh đang xây dựng dự thảo về Dự án hệ thống thư viện thông minh 4.0 và số hóa ấn phẩm, tài liệu. Mục đích triển khai dự án nhằm tiến tới số hóa các ấn phẩm, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc; giúp tra cứu thông tin, tài liệu một cách nhanh chóng, thuận tiện; cung cấp nguồn tài liệu phong phú dưới nhiều dạng thông tin khác nhau như: sách điện tử, các dữ liệu multimedia…

Có thể bạn quan tâm