(GLO)- Với mong muốn giúp trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch là con hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tìm lại nụ cười, mới đây, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Phòng Tham mưu Công an tỉnh triển khai chương trình “Vì nụ cười trẻ thơ”. 23 em bị sứt môi, hở hàm ếch đủ điều kiện đã được 2 đơn vị kêu gọi Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam và Tổ chức Open Smile phẫu thuật miễn phí.
Những mảnh đời bất hạnh
Không được may mắn như bao đứa trẻ khác, cháu Siu Mai (1 tuổi, làng Rơh Nhỏ, xã Al Bá, huyện Chư Sê) vừa bị sứt môi vừa hở hàm ếch từ khi mới chào đời. Cháu không thể bú mẹ, cho bú bình thì sữa lại trào ra đường mũi. Nhìn con ăn uống khổ sở mà chị Siu Hoay và anh Rơ Mah Hoan như đứt từng khúc ruột. Gia đình khó khăn, vợ chồng mới lấy nhau ra ở riêng, thu nhập chỉ trông chờ vào 1 sào cà phê, được mùa, được giá chỉ đủ ăn, mất mùa thì phải “giật gấu vá vai”. Vậy nên vợ chồng chị Hoay chẳng dám đưa con đi bệnh viện. Mới đây, khi trưởng thôn thông báo có chương trình phẫu thuật miễn phí cho trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch, chị đăng ký ngay với cán bộ xã.
Những em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch. Ảnh: Đ.Y |
Cùng chung cảnh ngộ là cháu Ghi (2 tuổi, làng Sơl, xã Hnol, huyện Đak Đoa). Vì hở hàm ếch nên cháu bị bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên, sức khỏe kém. Mỗi lần ăn, mẹ cháu phải mất hàng giờ bón từng thìa sữa nhỏ để con không bị sặc. “Hai vợ chồng đều làm nông, thu nhập không ổn định. Vợ chồng mới lấy nhau, con mới lọt lòng lại bị như thế này nên gia đình luôn trong cảnh túng quẫn. Cháu bị hở hàm ếch rất nặng nhưng vợ chồng tôi chưa biết xoay xở thế nào. Biết có chương trình phẫu thuật miễn phí cho những cháu bị sứt môi, hở hàm ếch, vợ chồng tôi mừng lắm!”-anh Myin (bố cháu Ghi) cho hay.
Tìm lại nụ cười cho trẻ
Ông Nguyễn Ngọc Hải- Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), cho biết: Khoảng 10 năm nay, Sở thường xuyên phối hợp với các ngành, đơn vị thực hiện từ 1 đến 2 đợt khám sàng lọc mỗi năm và tổ chức đưa các cháu bị sứt môi, hở hàm ếch đến các bệnh viện trong nước phẫu thuật miễn phí. Trung bình mỗi đợt khám sàng lọc có từ 15 đến 25 cháu được các tổ chức hỗ trợ phẫu thuật miễn phí. Theo tính toán, mỗi ca phẫu thuật chi phí khoảng 10 triệu đồng, nhưng với các gia đình nghèo thì số tiền này không nhỏ, chưa kể, nhiều trẻ phải phẫu thuật đến 3-4 lần hoặc hơn mới bình thường được. Nhiều gia đình nghèo muốn đưa con đi phẫu thuật nhưng không đủ kinh phí. Vì thế, chúng tôi kêu gọi các tổ chức từ thiện, như: Tổ chức Open Smile, Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam giúp đỡ các cháu.
Bế con trên tay, anh Ksor Ju-bố cháu Ksor Đinh (buôn Hứt, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa) không giấu được niềm vui sau 2 lần phẫu thuật cho con. “Nay cháu đã có thể ăn uống bình thường, đó là niềm vui lớn nhất của gia đình tôi. Nhờ sự quan tâm của mọi người, các tổ chức từ thiện hỗ trợ mà con tôi đã có nụ cười lành lặn. Mong rằng, lần phẫu thuật thứ 3 này, môi và lợi của cháu sẽ bình thường, cháu có thể học nói dễ dàng và không bị mắc tật nói ngọng”-anh Ju cho biết.
Tuy nhiên theo ông Hải, hiện tỉnh ta vẫn còn rất nhiều trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch. Phần lớn các gia đình có con bị dị tật đều rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân có lòng nhân ái để tìm lại nụ cười cho các cháu.
Đinh Yến