(GLO)- Trong tâm trí của tôi, Trạm Lập ngày ấy thật to lớn, như là một binh trạm luôn tấp nập mỗi ngày đêm hàng đoàn những cán bộ, chiến sĩ quân dân chính Đảng lại qua, trú ngụ với nhiều phương tiện xe pháo, súng đạn, lương thực thực phẩm với một hệ thống kho tàng, hầm hào kiên cố... Năm ấy, đêm cuối cùng tôi nghỉ lại Trạm để hôm sau tiếp tục hành trình rời Gia Lai lên đường theo một hành trình khác. Thế mà giờ đã là hơn 40 năm rồi còn gì...
Đường Trường Sơn Đông đi qua khu vực Trạm Lập. Ảnh: Bích Hà |
1. Còn nhớ, kể từ sau Hiệp định Paris được ký kết-cuối tháng Giêng năm 1973, và tiếp sau cho đến khi chiến dịch Tây Nguyên bùng nổ, các khu căn cứ Krong và vùng lân cận, khu căn cứ Khu 5, Trà My (Quảng Nam) và các vùng giải phóng của ta trở lại bình yên, không khí hòa bình ở những nơi này là hiện hữu. Dọc ngang các trục đường hành lang của Trung ương và địa phương ngày đêm tấp nập những đoàn cán bộ, chiến sĩ, dân công, xe pháo nối nhau hành quân hướng về các chiến trường. Đặc biệt là khi đêm về, điện sáng bừng từng góc rừng, bãi suối và văn công, phim chiếu phục vụ cho các cơ quan, đơn vị, trường học... như thể cuộc chiến đã kề cận ngày kết thúc. Đám nhân viên, học viên, lính trẻ chúng tôi lòng rạo rực chờ đón một ngày nào đó được nhận nhiệm vụ hòa mình vào những dòng người ra phía trước.
Đêm ấy, Trạm Lập thật sôi động, người người với những công việc gấp gáp, dưới những tán rừng đại ngàn từng đoàn xe vận tải lớp thì hướng vào phía trong chất đầy những thùng, những phuy, những bao tải căng đầy, trùm bạt, buộc cáp cẩn thận. Cũng không ít những đoàn xe đầu hướng về phía ngược lại, sẵn sàng nhận thương binh, cán bộ trở ra phía Bắc, hay về hậu cứ Khu 5. Tôi được một anh lái xe bảo lên ca-bin ngủ với anh. Đêm ấy gần như tôi không hề chợp mắt khi lòng háo hức đến vô cùng với nhiệm vụ mới là khẩn trương về hậu cứ dự một lớp học cấp tốc để trở lại chiến trường phục vụ nhiệm vụ cấp bách.
Nhưng mặt khác lại thật buồn khi mà bao đồng đội, những dòng người hướng ra phía trước, thì mình lại... tụt về sau. Như thấu lòng chú em trẻ người non dạ, anh tài xế động viên rằng thì đâu cũng là nhiệm vụ. Rồi anh kể về quê anh xứ dừa Tam Quan, ngày nhỏ theo cha tập kết ra Bắc, lớn lên học hành chưa xong mà nhiệm vụ trong mình (miền Nam) đã gọi, anh tình nguyện vào bộ đội và được cho học lái xe, cái nghề mà từ bé anh đã vô cùng thích nó. Anh kể về một miền Bắc đang ngày đêm vừa ra sức xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa dốc hết nhân tài vật lực cho miền Nam-một miền Bắc thật đáng yêu, đáng sống. Những câu chuyện xuyên thời gian và không gian như vậy đã đưa mấy anh em chúng tôi nhanh về... buổi sớm, và cuộc hành trình bắt đầu.
Khu vực Trạm Lập xưa. Ảnh: Hồng Sơn |
2. Anh Huỳnh Trọng Khánh-một người con Bahnar gốc Sơn Lang đang là Phó Bí thư Huyện ủy Kbang, trên đường cùng tôi tìm về Trạm Lập, khéo động viên, rằng thế nào chuyến đi này cũng sẽ thành công cho mà coi. Thì hay vậy, bởi lòng bảo dạ không thể “bất quá tam”, là lần thứ 3 trong vòng 3 năm qua tôi trở lại tìm nơi ngày xưa Trạm Lập đứng chân. Với bao cố gắng của các cán bộ xã, của người làng ở đây giúp sức đều “tay trắng” trở về. Hôm đó, khi hỏi thăm một công nhân của Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập về cái tên mà nơi chị đang làm việc, chẳng chút e ngại, chị cho hay là nghe vậy chứ cũng chưa tìm hiểu về nguồn cội thế nào, đã vậy thì làm sao có thể biết đích xác vị trí ngày xưa Trạm này đứng chân là chỗ nào. Đúng là... bó tay.
Trên chiếc xe 4 chỗ, già làng Đinh Văn Rơ (làng Điện Biên của Sơn Lang) khẳng định với Phó Bí thư Khánh, nhất thiết Trạm Lập phải là chỗ đấy, chỗ đấy. Ông cho biết, năm từ Vĩnh Thạnh (Bình Định) lên “định cư” theo vợ với làng này, cùng thanh niên trai gái của các làng lân cận, các ông đã từng ngày đêm tham gia với bộ đội làm các kho chứa hàng hóa, đào hầm hào giúp Trạm Lập. Và quả vậy, chỉ lòng vòng theo mấy đoạn trên con đường Trường Sơn Đông, chưa đầy tiếng đồng hồ, ông bảo dừng xe và khẳng định “Trạm Lập đây rồi”.
Già làng Rơ huơ tay một vòng trên một vùng rộng lớn, bảo “chính xác là ở đây”. Trước mắt tôi, dưới chân tôi, con suối Đục ầm ầm chảy qua những ghềnh đá rêu phong dưới tán rừng già nguyên sinh giờ như thế này sao? Một câu hỏi mà tôi không thể thông khi nhận được những câu trả lời từ phía già làng, phía Phó Bí thư Khánh; và nữa, các công nhân đang hoàn tất công việc giai đoạn cuối bảo dưỡng con đường Trường Sơn Đông, nơi đơn vị các anh thi công mấy năm trước. Một thanh niên người Kinh đi đường ghé lại, người này còn khẳng định, cách đây chừng 10 năm, khi vào rừng tìm mật ong, lâm sản, anh và trai làng đã thấy ở đây còn có cả hầm hào, lò nấu và xoong, chảo, nhiều cái to đùng đúc bằng gang.
Ghé lại nhà một người bên đường, hỏi ra thì biết đó là người quen của anh bạn của Phó Bí thư Khánh, anh tên là Đặng Thanh Bình, vợ là người Bahnar ở làng bên cạnh. Tôi buộc tội anh ấy khi biết anh có 3 ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh ở vùng này về sự phá rừng, làm mất đi một di tích lẽ ra nó phải được bảo vệ, giữ gìn, làm bằng chứng cho sự anh dũng hy sinh của lớp lớp cha anh một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, đằng này... Trong câu chuyện giữa già làng Rơ, Phó Bí thư Khánh, chủ nhà Bình, cho hay anh Bình từ ngoài thị trấn Kbang vào định cư nơi này cũng đã gần vài chục năm. Các con của anh chị học hành tử tế, đã có một người con đầu cho ông bà làm ngoại rồi. Anh gốc là dân Tây Sơn, Bình Định, theo gia đình lập nghiệp ngoài thị trấn Kbang, “vợ bắt” vào đây làm chồng...
Ảnh: Hồng Sơn |
Câu chuyện làm giàu và những kỷ niệm xa xưa của những người “sở tại” đến lúc cao trào, thì sự chờ đợi cho những câu hỏi của tôi đã không thể đợi lâu hơn nữa. Rằng, tại sao nơi này là rừng già, nguyên sinh, là bạt ngàn xanh, là nhiều gỗ quý, hiếm, nhiều động-thực vật dưới tán rừng, một thời “... Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” giờ đã trở nên thế này? Chủ nhân rẫy cà phê phía trước-của anh Bình, mà theo già làng Rơ thì chính xác nơi đó, ngày đó có một căn lán khá “quy mô”, phía trước, bên này con suối Đục là bếp Hoàng Cầm, nhà ăn... của Trạm Lập. Con suối đã cạn đến mức khó tin so ngày tôi biết về nó, một bên này của con suối, từ rừng nguyên sinh nay thành những rẫy cà phê tươi tốt. Già làng Rơ và anh Bình cho biết, chẳng phải lỗi của người làng. Ngày xưa ấy, người ta phá những cánh rừng này để trồng cây sả, nghe họ bảo đấy là thứ dược liệu quý. Rồi chẳng hiểu sao, mấy năm sau người ta lại bỏ hoang, nên bà con trong vùng thấy tiếc đất mà tăng gia sản xuất, rồi trồng cà phê ở những nơi này.
Té ra là thế, cũng nhớ lại có thời người ta còn có ý định trồng sả cả vào những chỗ đất trống trong Sân bay Tân Sơn Nhất nữa đấy. Thế mới hay có những chuyện làm kinh tế ngày xưa, giờ nghĩ mà cười ra nước mắt. Trở lại chuyện về Trạm Lập, tôi thấy lòng mình cay xót lắm. Cuộc chiến tranh cứu nước thuở nào, một trong những quân binh chủng góp phần đem lại những thắng lợi to lớn cho cuộc kháng chiến, không thể không nói đến ngành vận tải, những con đường giao liên xuyên Trường Sơn, là mạch máu không bao giờ được tắc; trên những cung đường và những binh trạm giao liên ấy, biết bao những hy sinh, mất mát của tuổi trẻ cha ông, mà cuộc sống trong thanh bình ngày nay sao chúng ta có thể được phép lãng quên như đã từng quên lãng, một trong những binh trạm điển hình là Trạm Lập, một ví dụ sống động mà thật đau lòng khi chúng ta đang tưng bừng chào đón kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng non sông, thống nhất nước nhà..
Bích Hà