Kinh tế

Tài chính

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, 100% hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Năm 2015, anh Bleo (làng Kóp, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi bò. Với sức trẻ và tinh thần chịu khó học hỏi, cộng thêm nguồn vốn ngân hàng nên thu nhập của gia đình anh từng bước ổn định và nâng cao. Hiện gia đình anh có 6 con bò, 200 trụ hồ tiêu và 1.000 cây cà phê. Anh cũng đã mua được xe công nông chở hàng hóa cho bà con để kiếm thêm thu nhập. “Trước đây, kinh tế gia đình chỉ dựa vào cây mì, cây lúa rẫy theo kiểu làm đến đâu ăn đến đó. Từ ngày học hỏi cách trồng cà phê, hồ tiêu và biết cách sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, thu nhập của gia đình mình cải thiện hơn”-anh Bleo bày tỏ.

 Trong tình hình dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn đảm bảo giải ngân vốn tín dụng cho người dân vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Sơn Ca
Trong tình hình dịch Covid-19, Ngân hàng Chính sách Xã hội vẫn đảm bảo giải ngân vốn tín dụng cho người dân vùng đặc biệt khó khăn. Ảnh: Sơn Ca


Nguồn vốn tín dụng chính sách còn là điểm tựa giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhất là lớp thanh niên đã biết cách dựa vào vốn ngân hàng để vươn lên thoát nghèo. Kể từ ngày ra nơi ở mới, anh Rmah Mich (làng Hek, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để chăn nuôi bò và 12 triệu đồng từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường để khoan giếng, xây nhà vệ sinh. Anh Mich cho biết: “Mình được vay vốn ngân hàng để làm ăn, có điều kiện giải quyết công việc cùng lúc như mua bò, xây dựng công trình vệ sinh. Nếu không có sự trợ giúp này thì phải đợi rất lâu, có thể bỏ lỡ cơ hội làm ăn”. Cũng theo anh Mich, từ năm 2017 đến nay, nhờ nguồn vốn vay, anh đầu tư phát triển sản xuất, tăng đàn bò từ 3 con lên 6 con. Ngoài ra, gia đình anh còn canh tác thêm 2 ha mì, 6 sào lúa. Đời sống ổn định hơn trước rất nhiều.

Có thể thấy, bằng nguồn vốn chính sách, đến nay, cuộc sống của nhiều gia đình đã khá lên, bộ mặt nhiều thôn, làng đã “thay da đổi thịt”. Ông Nguyễn Văn Thành-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Gang-cho biết: “Trong vòng 10 năm trở lại đây, xã Kon Gang đã có nhiều thay đổi đáng ghi nhận. Thu nhập của người dân đang ngày càng cải thiện. Hiện nay, xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm 3-4%/năm, thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 23 triệu đồng/năm. Góp phần vào kết quả này, nguồn vốn tín dụng chính sách là một trong số tác nhân tích cực”.

Còn ông Trần Quang Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai thì nhận định: “Từ năm 2017 đến nay, xã Chư A Thai nói chung và các thôn, làng đặc biệt khó khăn đang có sự chuyển biến tích cực, bà con rất nỗ lực vươn lên thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo qua các năm. Góp phần vào công tác giảm nghèo của địa phương, không thể thiếu nguồn vốn tín dụng chính sách. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 36%, thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/năm”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh-nhấn mạnh: “Đến nay, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 5.220 tỷ đồng, tăng 323 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, dư nợ tín dụng các xã vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn chiếm 84%. Điều này đã minh chứng rằng tín dụng chính sách luôn ưu tiên cho những địa bàn khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới”. Ông Chí cũng cho biết thêm, từ nay đến cuối năm 2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh dự kiến tăng thêm 100 tỷ đồng vốn vay, trong đó tiếp tục ưu tiên vốn cho các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, xã xây dựng nông thôn mới, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

 

 SƠN CA
 

Có thể bạn quan tâm