Kinh tế

Tài chính

Tín dụng chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tính đến cuối năm 2023, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 379,6 tỷ đồng, tăng 46,5 tỷ đồng so với đầu năm. Nguồn vốn ngân sách địa phương hòa cùng nguồn phân bổ từ trung ương góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tính đến cuối tháng 11-2023, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh đạt 6.856 tỷ đồng, tăng 868,6 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho hoạt động tín dụng chính sách đạt 379,6 tỷ đồng, tăng 46,5 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm điều chỉnh tăng nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH, tạo điều kiện về nguồn lực để ngân hàng mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS. Ảnh: S.C

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Chư Pưh kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho đồng bào DTTS. Ảnh: S.C

Bà Rơ Chăm Byét (làng Ngăi Yố, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) là một trong những hộ nghèo vừa được nguồn vốn tín dụng “tiếp sức” tạo sinh kế lâu dài. Bà Byét kể: “Trước đây, vì hoàn cảnh quá khó khăn nên tôi không dám vay vốn ngân hàng để làm ăn. Mẹ con tôi chủ yếu đi làm thuê để có tiền sinh sống. Nhờ được chính quyền địa phương quan tâm, hội, đoàn thể động viên, hướng dẫn nên tôi mạnh dạn vay 40 triệu đồng để mua bò về nuôi”.

Còn ông Nay Y Sar (làng Plei Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) thì cho hay: “Gia đình tôi là hộ đã thoát nghèo. Để ổn định cuộc sống, tôi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng mua bò về nuôi. Bây giờ, ngoài thời gian chăm sóc đàn bò và 5 sào cà phê, tôi còn tranh thủ đi làm thuê để có thêm tiền trang trải cuộc sống”.

Năm 2023 được ghi nhận là năm tăng trưởng tích cực các nguồn vốn, bao gồm cả nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương. Doanh số cho vay lũy kế 11 tháng của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt tới 1.901 tỷ đồng/44.228 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đạt tới 6.848 tỷ đồng, tăng 871,6 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 14,58%.

Ông Lê Văn Chí-Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: “Chi nhánh đã tranh thủ nguồn vốn của trung ương, nguồn vốn ngân sách ủy thác của địa phương để mở rộng cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách”.

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo DTTS đầu tư chăn nuôi bò, có thu nhập ổn định. Ảnh: Sơn Ca

Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hộ nghèo DTTS đầu tư chăn nuôi bò, có thu nhập ổn định. Ảnh: Sơn Ca

Đi đôi với kết quả tăng trưởng tín dụng ấn tượng, nguồn vốn ưu đãi đã hỗ trợ cho 13.453 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 10,06% cuối năm 2022 xuống còn 8,11% đến thời điểm này. Đồng thời, hỗ trợ 1.098 hộ đồng bào DTTS nghèo có vốn xây dựng nhà ở, tạo việc làm để phát triển kinh tế gia đình.

Liên quan đến việc phối hợp triển khai các nguồn vốn tín dụng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kpă Đô thông tin: “Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Ngân hàng CSXH tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đến nay, các địa phương trong tỉnh cơ bản đã thực hiện xong việc hỗ trợ nhà ở, phần vốn ngân sách địa phương hỗ trợ theo quy định cũng đã giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng”.

Được biết, trong 11 tháng qua, doanh số cho vay phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP lũy kế 49,2 tỷ đồng, đạt 99% kế hoạch.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư; chủ động tham mưu UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm, ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trong năm 2024.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đặng Công Lâm cho biết: “Theo dự kiến, nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác sẽ tăng vì có thêm một số nội dung nhiệm vụ, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Có thể bạn quan tâm