Chính trị

Tín hiệu mới của ông Zelnesky về đối thoại hòa bình với Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- "Tín hiệu là chúng tôi không muốn lặp lại Thỏa thuận Minsk. Không chấp nhận một cuộc xung đột đóng băng mới. Chúng tôi không tin vào thỏa thuận đó", Tổng thống Zelensky ngày 23/2 cho biết.
Tinh thần quân đội Ukraine đang xuống dốc. Ảnh: Globsec

Tinh thần quân đội Ukraine đang xuống dốc. Ảnh: Globsec

Thỏa thuận Minsk do Nga, Pháp, Đức và Ukraine đàm phán trong hai năm 2014-2015, quy định một loạt biện pháp nhằm chấm dứt xung đột vũ trang giữa chính quyền ở Kiev và khu vực ly khai miền Đông.

Điều khoản cốt lõi của Thỏa thuận Minsk là một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và các bên phải nhất trí rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực tiền tuyến.

Thỏa thuận còn quy định tổ chức đối thoại về bầu cử địa phương tại các khu vực do phe ly khai kiểm soát, khôi phục các liên kết kinh tế và xã hội đầy đủ giữa hai bên. Quân đội chính phủ Ukraine được tái kiểm soát khu vực biên giới giáp Nga, trong khi tất cả lực lượng và lính đánh thuê nước ngoài phải rút khỏi miền Đông Ukraine.

Moscow liên tục chỉ trích Kiev đã không thực hiện thỏa thuận, bao gồm cả việc không trao quyền tự trị cho vùng Donbass chủ yếu nói tiếng Nga.

Về phát biểu mới nhất, ông Zelensky nói thêm: "Khi chúng tôi đã chuẩn bị tài liệu trên nền tảng của Công thức Hòa bình, trên cơ sở đề xuất của các nước khác. Sau đó, chúng ta có thể sẽ tìm kiếm một cơ chế ngoại giao, cơ chế đối thoại với các đại diện của Nga".

Tin rằng Ukraine sẽ có một vị thế mạnh khi đàm phán ngoại giao với Nga, tổng thống Ukraine cho rằng: "Nếu chúng ta có được vị thế mạnh trong mọi tình huống và nếu chúng ta có được thỏa thuận với hầu hết các nước lớn, những nước quan trọng, những người ra quyết định và đứng về phía chúng ta, tất nhiên, chúng ta có thể tìm được giải pháp đàm phán ngoại giao".

Công thức hòa bình mà ông đề cập đến là 10 đề xuất mà ông đưa ra hồi cuối năm 2022 nhằm chấm dứt xung đột với Nga. Trong những đề xuất này có yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và bồi thường chiến tranh cho Ukraine.

Việc thực thi đầy đủ các Thỏa thuận Minsk sẽ loại trừ khả năng Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO.

Trong diễn biến khác liên quan tình hình viện trợ Ukraine, cùng ngày, AFPđưa tin, đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố sẽ giải ngân 880 triệu USD để tài trợ cho Kiev, trong giai đoạn ba của gói viện trợ trị giá 15,6 tỷ USD được phê duyệt năm ngoái.

Theo IMF, Ukraine sẽ cần tới 486 tỷ USD để tái thiết sau chiến tranh.

Có thể bạn quan tâm