Thể thao

Thể thao cộng đồng

Tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thực tế, cả 4 cái tên Bùi Vĩ Hào (CLB Bình Dương), Nguyễn Phi Hoàng (CLB Đà Nẵng), Đinh Xuân Tiến, Hồ Văn Cường (SLNA)... đều nằm trong nhóm đầu danh sách đề xuất gọi tập trung từ ngày đầu của HLV Đinh Thế Nam.

Nhưng những chàng trai chỉ mới 19 tuổi trên đều là trụ cột với tần suất ra sân đều đặn mỗi vòng đấu ở V-League 2022. Cá nhân Bùi Vĩ Hào đã đá 13 trận cho CLB Bình Dương, trong khi Nguyễn Phi Hoàng đá chính và chơi trọn vẹn cả 9 trận cho CLB Đà Nẵng, trở thành những chân sút trẻ lợi hại tại V-League. Khi khoảng cách các đội bóng V-League đã được thu hẹp lại nhiều, mỗi trận đấu đều có ý nghĩa hết sức quan trọng khi các CLB ganh đua từng hiệu số bàn thắng. Do vậy, việc những tài năng trẻ như trên được trọng dụng là tín hiệu tích cực cho bóng đá Việt Nam.

Ngoài ra, với nguồn đầu ra ngày càng dồi dào, các lò HAGL, Hà Nội, PVF, Viettel, Đà Nẵng, Quảng Nam, SLNA, Nam Định... đều xem giải hạng nhất là môi trường thích hợp nhất để những cầu thủ trẻ trải nghiệm bóng đá chuyên nghiệp đầu tiên.

 

U.20 Việt Nam cần có thêm các gương mặt xuất sắc khác. Ảnh: Ngọc Dương
U.20 Việt Nam cần có thêm các gương mặt xuất sắc khác. Ảnh: Ngọc Dương


Ông Nguyễn Minh Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), chia sẻ: “Câu chuyện của U.20 Việt Nam rất thú vị nếu nhìn trên góc độ rộng và tổng quát hơn. Dưới góc độ các giải chuyên nghiệp sẽ không tốt nếu chúng ta liên tục dừng hoặc hoãn giải. Làm như thế sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch giải đấu chuyên nghiệp, nhất là khi để phục vụ những giải không nằm trong hệ thống FIFA Days. Ngược lại, việc các CLB hạng nhất và V-League gặp khó trong việc nhả quân cho U.20 Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Vì điều đó là thể hiện rõ nét nhất cho việc có rất nhiều cầu thủ trẻ trưởng thành nhờ tham gia các giải chuyên nghiệp từ khi mới 18, 19 tuổi. Các đội hạng nhất đang trẻ hóa mãnh liệt, cũng đang là vườn ươm hiệu quả và lâu dài cho các đội tuyển U.20, U.23 Việt Nam. Còn xung đột quyền lợi giữa CLB và các đội tuyển trẻ quốc gia thì lúc nào cũng có. Bản thân tuyển U.20 Việt Nam dự U.20 World Cup 2017 cũng từng nhiều lần than trời vì các trụ cột vướng thi đấu ở giải chuyên nghiệp. Nhưng việc song song hài hòa lợi ích các bên đã giúp những Quang Hải, Văn Hậu, Tấn Tài, Tiến Linh... có những trải nghiệm quý giá để bây giờ trở thành trụ cột tuyển Việt Nam. Do vậy, mong các bên sẽ luôn hòa thuận và cùng ngồi lại chia sẻ khó khăn, thuận lợi để tìm giải pháp tốt nhất vì sự phát triển cho các tài năng trẻ, những người mới bước vào giải chuyên nghiệp nhưng sẽ là bộ khung trụ cột cho tuyển Việt Nam trong tương lai”.


Tại vòng loại U.20 châu Á 2022, Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) sẽ chọn 10 đội nhất bảng và 5 đội nhì bảng có thành tích tốt nhất (chưa tính chủ nhà Uzbekistan) đoạt vé chính thức dự Cúp U.20 châu Á từ ngày 1 - 18.3.2023, nơi 4 đội lọt vào bán kết sẽ nhận vé dự U.20 World Cup 2023 ở Indonesia. Với việc tuyển Úc bất ngờ rút khỏi vòng loại U.20 châu Á vào ngày 26.8 vừa qua, sự cạnh tranh cho suất nhì bảng xuất sắc nhất sẽ cực kỳ nóng bỏng khi U.20 VN chỉ còn đúng 1 trận để đua hiệu số với Hồng Kông hoặc Timor Leste (sẽ phải bỏ thành tích với đội chót bảng F). Do vậy, để nắm chắc quyền tự quyết, U.20 VN buộc phải thắng chủ nhà Indonesia trên chảo lửa Gerlora Bung Tomo (sức chứa hơn 45.000 chỗ ngồi).


Theo QUỐC VIỆT (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm