(GLO)- Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, mỗi năm có khoảng 6,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Năm 2016, ước tính việc chi tiêu cho du lịch nước ngoài của người Việt Nam khoảng 7-8 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2015; năm nay chắc chắn tăng lên ít nhất 30%.
Các nước được người Việt đi nhiều nhất là Thái Lan, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trong năm 2016, Campuchia và Thái Lan đón khoảng 2 triệu lượt khách Việt Nam; Hàn Quốc đón 251.000 lượt khách Việt Nam, tăng 58% so năm 2015; có 469.000 khách sang Singapore. Đặc biệt, du khách Việt sang Nhật Bản tăng mạnh trong vòng 5 năm qua, năm 2016 là 233.000 lượt.
Ảnh internet |
Vì sao người Việt ngày càng đi du lịch nhiều hơn? Trước hết, do đời sống của người Việt đã cao hơn trước, nhu cầu tham quan du lịch cũng tăng tương ứng. Bên cạnh đó, con người vốn dĩ thích xê dịch, bởi như cha ông ta từng nói “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Có dịp ra nước ngoài không chỉ tham quan, ngoạn cảnh mà còn là dịp mở mang kiến thức, tìm hiểu đời sống văn hóa, kinh tế của xứ người… Nếu như vài chục năm trước, khách Việt thường đi các nước Đông Nam Á thì những năm gần đây chuyển sang đi Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu và các nước Ả Rập…
Một nguyên nhân khác là các điểm đến ở nước ngoài như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản rất thu hút du khách Việt do ngành du lịch các nước này làm rất chuyên nghiệp, phong cảnh và đời sống xã hội có nhiều thứ để xem, để chơi, giá cả lại phải chăng, việc đi lại tiện lợi do có nhiều chuyến bay, thủ tục nhập cảnh dễ dàng hơn, đặc biệt khâu quảng bá của các cơ quan xúc tiến du lịch rất mạnh mẽ. Hình ảnh của các điểm đến ở nước ngoài thường xuyên xuất hiện trên các chương trình quảng cáo, phim ảnh truyền hình, nhất là trên mạng xã hội… hấp dẫn người Việt thích đi du lịch.
Cơ quan du lịch ở các nước này cũng hợp đồng rất chặt chẽ với các cơ quan du lịch Việt Nam trong vấn đề trao đổi du khách. Thử tính, nếu bạn làm một chuyến du lịch tự túc sang Thái Lan, chỉ tiền vé máy bay và tiền ăn, ở khách sạn, di chuyển cũng tốn chí ít 7-8 triệu đồng. Thế nhưng, nếu đi theo tour du lịch chỉ mất 5 triệu đồng (thời giá tháng 12-2017) là bạn đã có thể ở đến 5 ngày đêm tại thủ đô Bangkok và thành phố biển Pattaya.
So với nước ngoài, Việt Nam không hề thua kém về cảnh quan du lịch, thậm chí có phần hơn. Với bờ biển dài và các cù lao, vịnh, đảo đẹp như: Vịnh Hạ Long, mũi Né, Cù lao Chàm, đảo Lý Sơn, Côn Đảo, đảo Phú Quốc; núi non cùng các hang động tuyệt đẹp như Ngũ Hành Sơn, Sơn Đoòng, Thiên Đường, Phong Nha-Kẻ Bàng… chưa kể các vùng đất tuyệt vời như Đà Lạt, Sa Pa, cao nguyên đá Đồng Văn… luôn hút hồn du khách trong và ngoài nước, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố cơ bản để trở thành “cường quốc du lịch”.
Số du khách nước ngoài đến Việt Nam tăng từng năm: năm 2016 đón 10 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với năm 2015), phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch khoảng 400.000 tỷ đồng. Năm 2017, dự kiến đón khoảng 13 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30% so với năm trước. Đối với Gia Lai, tuy ngành du lịch đang bước đầu phát triển song đã có tín hiệu lạc quan: năm 2017 có 500 ngàn lượt khách đến (tăng 22,5%), trong đó có 9.650 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt 245 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, núi lửa Chư Đăng Ya… là những điểm đến đầy tiềm năng thu hút du khách.
Để phát huy hết thế mạnh về du lịch của Việt Nam cũng như của Gia Lai, vấn đề quan trọng không chỉ là xây dựng quy mô hệ thống nhà hàng, khách sạn hay tôn tạo các điểm tham quan, du lịch mà còn phải nâng cao văn hóa làm du lịch cho cộng đồng, khắc phục tình trạng du khách một đi không trở lại. Chính đội ngũ những người làm du lịch (kể cả cộng đồng làm home stay) cũng phải chuyên nghiệp để góp phần đưa ngành công nghiệp không khói Việt Nam xứng tầm với các “cường quốc du lịch” trong khu vực, từng bước nâng cao đời sống người dân!
Thanh Phong