Giáo dục

Tin tức

Tín hiệu vui sau học kỳ I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song toàn ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai đã nỗ lực vượt khó để đạt được nhiều kết quả khả quan. Kết thúc học kỳ I, các chương trình, đề án, kế hoạch được UBND tỉnh giao cho ngành năm 2021 đều hoàn thành đúng tiến độ; chất lượng giáo dục mũi nhọn lẫn đại trà cũng từng bước được nâng lên.

Linh hoạt triển khai “nhiệm vụ kép”

Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 762 trường mầm non và phổ thông (tăng 2 trường so với năm học 2020-2021) với 411.659 học sinh. Tổng số cán bộ và giáo viên từ bậc mầm non đến phổ thông là 23.602 người. Kết thúc học kỳ I, toàn ngành đã thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng-chống dịch đi đôi với việc tổ chức các hoạt động giáo dục trong trạng thái “bình thường mới”. Cơ sở vật chất, trang-thiết bị đảm bảo nhu cầu học tập cho học sinh, không có em nào nghỉ học vì thiếu trường, lớp. Tính đến ngày 31-12-2021, toàn tỉnh có 414/762 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 54,33%. Cùng với đó, các loại hình GD-ĐT được mở rộng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Các chương trình, đề án, kế hoạch được UBND tỉnh giao trong năm 2021 đều hoàn thành đúng tiến độ, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về văn hóa-xã hội của tỉnh.

 100% học sinh lớp 1 và lớp 2 của huyện Mang Yang được học 2 buổi/ngày, đảm bảo 1 giáo viên văn hóa/lớp. Ảnh: Mộc Trà
100% học sinh lớp 1 và lớp 2 của huyện Mang Yang được học 2 buổi/ngày, đảm bảo 1 giáo viên văn hóa/lớp. Ảnh: Mộc Trà


Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19 đối với các bậc học; chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt các giải pháp để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương; đồng thời, tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2 và 6 cũng như biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 6, 7, 8, 9.

Liên quan đến việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 và lớp 2, ông Nguyễn Vĩnh Hoàng-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mang Yang-cho hay: Năm học 2021-2022, toàn huyện có 16 trường có học sinh tiểu học với 8.466 học sinh/302 lớp. Trong đó, khối 1 có 59 lớp với 1.779 học sinh; khối 2 có 69 lớp với 1.625 học sinh. Trong học kỳ I, dịch Covid-19 trên địa bàn huyện cơ bản được kiểm soát nên các trường đều tổ chức dạy học trực tiếp. Vì vậy, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 và 2 đảm bảo tiến độ; 100% học sinh được học 2 buổi/ngày; đảm bảo 1 giáo viên văn hóa/lớp. Hầu hết cơ sở giáo dục tiểu học đã thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; tăng cường trao đổi thông tin để phụ huynh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình thực hiện; thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn để bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp. Riêng học sinh lớp 1 ở vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi tập trung tối đa thời lượng để dạy tiếng Việt, xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho các em; tổ chức các hoạt động “bán trú mang cơm”, “bán trú dân nuôi” nhằm duy trì sĩ số học 2 buổi/ngày.

Trong khi đó, cô Mai Thị Tám-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku) thông tin: Nhà trường đã có sự chuẩn bị chu đáo từ xây dựng phương án ứng phó với từng cấp độ dịch đến kế hoạch tổ chức thực hiện. Nhờ đó, khi chuyển đổi hình thức dạy học, chúng tôi luôn ở trong tâm thế chủ động và kịp thời điều hành, hướng dẫn cho giáo viên cùng học sinh thực hiện. Ngoài ra, nhà trường còn đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nên trong thời gian ngắn đã trang bị được một số camera và phủ sóng wifi ở hầu hết các phòng học, phục vụ hiệu quả cho việc dạy học kết nối.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kết quả đánh giá xếp loại học lực và hạnh kiểm học sinh toàn tỉnh cuối học kỳ I (từ mức trung bình trở lên) ở bậc THPT lần lượt là 89,61% và 98,65%; bậc THCS lần lượt là 89,47% và 98,95%. Kết quả học tập và rèn luyện của học sinh bậc tiểu học (từ hoàn thành trở lên) ở môn Tiếng Việt chiếm 92,4% và ở môn Toán là 96%. Riêng bậc học mầm non, trong học kỳ I, để đảm bảo an toàn phòng dịch, trẻ vẫn chưa thể đến trường.

“Trái ngọt” từ giáo dục mũi nhọn

Song song giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng từng bước được nâng cao. Tại kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 bảng A năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 100/225 học sinh đạt giải, trong đó có 9 giải nhất, 15 giải nhì, 30 giải ba và 46 giải khuyến khích. Sở cũng đã tổ chức thành công Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022 vào tháng 1 vừa qua. Dù diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19, song cuộc thi đã tạo một sân chơi trí tuệ, bổ ích dành cho những nhà khoa học trẻ. Kết quả, có 38/71 dự án ở 15 lĩnh vực đã được trao giải với 4 giải nhất, 8 giải nhì, 11 giải ba và 15 giải tư. Hội đồng giám khảo cũng đã lựa chọn được 2 dự án xuất sắc nhất để đại diện tỉnh nhà tham dự cuộc thi cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 3-2022.

 Thời gian qua, ngành GD-ĐT không ngừng quan tâm bồi dưỡng, tạo sân chơi chuyên môn bổ ích cho các giáo viên. Ảnh: Mộc Trà
Thời gian qua, ngành GD-ĐT không ngừng quan tâm bồi dưỡng, tạo sân chơi chuyên môn bổ ích cho các giáo viên. Ảnh: Mộc Trà


Bên cạnh đó, các hoạt động xây dựng môi trường dạy học và sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông; xây dựng trường học điển hình về môi trường ngoại ngữ ở các cấp học… cũng được ngành đẩy mạnh triển khai. Mới đây, cuộc thi “Tài năng tiếng Anh” trong học sinh phổ thông toàn tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức đã thu hút 344 thí sinh đến từ các trường THPT và 17 Phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố tham gia.

Cùng với đó, ngành GD-ĐT đã không ngừng quan tâm bồi dưỡng, tạo sân chơi chuyên môn bổ ích cho các giáo viên. Tại Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm học 2021-2022, 155/185 giáo viên đã được công nhận danh hiệu dạy giỏi cấp tỉnh. Đây là một trong những cơ sở để ngành đánh giá đúng năng lực cũng như thực trạng; từ đó kịp thời đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.

Triển khai nhiệm vụ học kỳ II, ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT đề nghị toàn ngành phát huy những kết quả đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế trong học kỳ I để hoàn thành tốt kế hoạch năm học 2021-2022. Trong đó, tiếp tục thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch Covid-19 vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục cần triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch khi học sinh đi học trở lại; đồng thời không bỏ qua, lãng phí những thành quả đã đạt được khi dạy học trực tuyến để chuyển đổi trạng thái dạy học khi cần thiết. Song song với đó, tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp 1, 2 và 6; chuẩn bị tốt các điều kiện để tiếp tục thực hiện đối với các lớp 3, 7 và 10 trong năm học 2022-2023.

“Ngành cũng tập trung xây dựng các giải pháp để triển khai thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 theo quyết định của UBND tỉnh gồm: tỷ lệ huy động trẻ em đi nhà trẻ đạt 9,5%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 92%, tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 93,6% và THPT đạt 57,5%; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 58,8%. Đồng thời, tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết bài toán thiếu biên chế giáo viên, nhân viên”-ông Định nhấn mạnh.

 

 MỘC TRÀ
 

Có thể bạn quan tâm