(GLO)- “Sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu luật tục Bahnar” là đề tài nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên mà tôi được tiếp cận và tâm đắc nhất từ trước đến nay”-TS. Nguyễn Thị Kim Vân-nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh đã nhận xét như vậy về đề tài nghiên cứu khoa học vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành xếp loại xuất sắc.
TS. Buôn Krông Tuyết Nhung thuyết minh về đề tài. Ảnh: N.B |
TS. Nguyễn Thị Kim Vân: “Tuy vẫn còn một số chỗ cần điều chỉnh, bổ sung nhưng đây là một công trình khoa học đúng nghĩa, được thực hiện bởi các trí thức dân tộc thiểu số. Trước nay, nghiên cứu về văn hóa Tây Nguyên chỉ có người nước ngoài, nhất là các học giả người Pháp như: Georges Condominas, Jacques Dournes, Henri Maitre… Trong nước thì phần lớn là các nhà khoa học người Kinh. Nhưng đây là công trình đầu tiên có sự tập hợp đông đảo trí thức người dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Điều này rất đáng được khích lệ. Đây cũng là tín hiệu vui và chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng đội ngũ này tiếp tục có nhiều đóng góp trong tương lai”. |
Đề tài do Trung tâm Phát triển Nông thôn Tây Nguyên chủ trì thực hiện, TS. Buôn Krông Tuyết Nhung-Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Tây Nguyên) làm chủ nhiệm thực hiện trong 2 năm (2017-2018) với kinh phí 450 triệu đồng. Phạm vi nghiên cứu chủ yếu là các làng Bahnar ở Gia Lai và một số làng ở TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). 7 thành viên tham gia nghiên cứu đề tài là trí thức dân tộc thiểu số, trong đó có 3 người Bahnar. Theo TS. Buôn Krông Tuyết Nhung: “Hiện nay, trong các làng người Bahnar, luật tục đang tồn tại song song với pháp luật của Nhà nước, trở thành đặc trưng văn hóa trong quản lý, phát triển xã hội cấp cơ sở. Dưới tác động của kinh tế thị trường, các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quá trình cộng cư nhiều thành phần dân tộc, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa… khiến không gian và môi trường cư trú của người Bahnar và cộng đồng tại chỗ đang biến đổi sâu sắc. Đặc biệt, các nội dung, định chế, quy định mang giá trị tích cực trong quản lý và giáo dục cộng đồng của luật tục Bahnar đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì vậy, việc sưu tầm, biên dịch và nghiên cứu nội dung, vai trò và sự phát triển của luật tục đối với sự phát triển của người Bahnar không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thiết thực với phát triển nông thôn hiện nay”.
Qua khảo sát thực tế và tư liệu, nhóm nghiên cứu đã sưu tầm được 272 điều trong luật tục, có thể sắp xếp thành 6 nhóm vấn đề: các hành vi vi phạm luật tục và các hình phạt; các quy định về hôn nhân và gia đình; các quy định về sở hữu tài sản và xâm phạm quyền sở hữu tài sản; các quy định bảo vệ tài nguyên, môi trường; các quy định xâm phạm tính mạng, nhân phẩm, danh dự và các trọng tội; các quy định liên quan đến phong tục tập quán. Theo TS. Tuyết Nhung, khi có xung đột, người Bahnar thường thông qua vai trò của người phân xử hoặc già làng để giải quyết dựa trên hệ thống và nguyên tắc vận dụng luật tục cho phù hợp với từng sự việc cụ thể. Việc ứng dụng các nguyên tắc của luật tục đã tạo nên sự bình ổn cho các quan hệ xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của người Bahnar. Tuy nhiên, hiện nay, người biết vận dụng luật tục để phân xử các xung đột rất ít, chủ yếu thông qua vai trò của già làng và sự hỗ trợ của tổ hòa giải. “Qua khảo sát thực tế tại một số làng Bahnar cho thấy, các làng xa xôi, hẻo lánh hoặc chưa bị tác động bởi tôn giáo-tín ngưỡng sử dụng luật tục thường xuyên hơn so với những làng gần trung tâm thị xã, thị trấn. Có đến 87% người Bahnar trong phạm vi khảo sát cho rằng luật tục là phong tục. Luật tục có vai trò rất quan trọng đối với giáo dục cộng đồng, cần gìn giữ và phát huy giá trị của nó”-nữ tiến sĩ cho biết.
Đi sâu nghiên cứu, nhóm thực hiện đã chỉ ra luật tục Bahnar giáo dục ý thức xây dựng trật tự xã hội, giáo dục tính cộng đồng, tính chịu trách nhiệm và đạo đức cá nhân rất cao. Với tất cả vẻ đẹp của luật tục trong kho tàng tri thức bản địa, nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp bảo tồn, trong đó nhấn mạnh việc cần thừa nhận sự tồn tại của luật tục, từ đó lựa chọn, kế thừa giá trị tích cực để xây dựng hương ước, thực hiện nếp sống văn hóa nông thôn và quản lý xã hội cấp cơ sở. Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung cho rằng, cần lựa chọn, kế thừa giá trị tích cực của luật tục Bahnar để xây dựng hương ước, thực hiện nếp sống văn hóa ở nông thôn. Cùng với đó, cán bộ cơ sở cần có kiến thức về luật tục, am hiểu phong tục tập quán để vận dụng một cách hài hòa, phù hợp với thực tiễn. Việc vận dụng hệ thống tri thức bản địa thông qua luật tục còn là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định quốc phòng-an ninh, tiến tới hoàn thiện nền pháp luật tiên tiến, hiện đại, có kế thừa, chọn lọc những giá trị tập quán các dân tộc trong quá trình phát triển bền vững ở Gia Lai.
Nguyên Bình