“Niềm hy vọng” của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã không phủ lòng mong đợi của các cổ đông với một cú bứt phá chưa từng. Lợi nhuận VIC lên đến hơn 13 ngàn tỷ.
CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2018 với rất nhiều các con số ấn tượng. Trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vinhomes tăng hơn 9,4 lần so với năm 2017 lên gần 14,8 ngàn tỷ đồng. Doanh thu cũng tăng gấp 2,5 lần lên 38,8 ngàn tỷ đồng.
Gần như tất cả các số liệu kinh doanh của Vinhomes đều tốt. Tổng tài sản của công ty từ mức 2,2 tỷ USD tăng lên hơn 5 tỷ USD. Vốn chủ sở hữu tăng từ 10 ngàn tỷ đồng lên trên 48 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng vay nợ của Vinhomes cũng tăng mạnh. Vay nợ dài hạn tăng từ 6,6 ngàn tỷ đồng lên hơn 25,5 ngàn tỷ đồng. Tổng vay nợ tăng gấp đôi từ 15,3 ngàn tỷ đồng lên gần 32 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng gần 1,4 tỷ USD.
Lợi nhuận tăng 9,4 lần so với 2017. |
Tập đoàn Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng cũng báo lợi nhuận trước thuế tăng mạnh 52% so với 2017 lên hơn 13,8 ngàn tỷ đồng tương đương hơn 600 triệu USD. Đây cũng là lần đầu VIC có lợi nhuận vượt ngưỡng 10.000 tỷ đồng.Sở dĩ có lợi nhuận tăng mạnh là do Vinhomes đã hợp tác cùng phát triển các dự án lớn mang lại doanh thu tài chính lớn. Trong năm, Vinhomes đã có thêm nhiều dự án của các công ty con bắt đầu bàn giao, trong đó riêng 2 dự án Vinhomes Golden River và Vinhomes Metropolis Liễu Giai đã mang về tương ứng gần 7,9 ngàn tỷ và 3,06 ngàn tỷ doanh thu trong quý 4.
Mảng bất động sản vẫn là mảng sinh lời chủ yếu cho Vingroup. Năm 2018, ông Vượng đã tách mảng bất động sản thành thương hiệu Vinhomes (VHM) và đưa hàng tỷ cổ phiếu VHM lên sàn. Vinhomes trở thành DN địa ốc số 1 Việt Nam với tổng vốn hóa có lúc ước tính lên tới gần 15 tỷ USD.
Đây là doanh nghiệp thay đổi diện mạo tại các đô thị Việt Nam qua hàng loạt các đại dự án hàng chục tỷ USD với các biệt thự và căn hộ dịch vụ cao cấp với nhiều phong cách ở nhiều tình thành trên cả nước.
Vinhomes quản lý và phát triển nhiều dự án lớn như: Vinhomes Riverside (Hà Nội), Vinhomes Royal City (Hà Nội), Times City (Hà Nội), Vinhomes Đồng Khởi (TP.HCM), Vinhomes Central Park (TP.HCM), VinCity…
Trong đó, Vinhomes Central Park là khu đô thị rộng lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam, nằm tại Quận Bình Thạnh, TP.HCM, trong đó có tòa tháp 81 tầng cao nhất Việt Nam - The Landmark 81.
Ông Phạm Nhật Vượng. |
Cổ phiếu VinHomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng vừa được Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đưa vào rổ chỉ số VN30 kỳ 1 năm 2019 nhờ quy mô vốn lớn, có tính thanh khoản cao và đáp ứng được điều kiện về thời gian niêm yết.
Tỷ phú số 1 Phạm Nhật Vượng tách mảng bất động sản ra để nhằm thực hiện chiến lược đa ngành, đầu tư mạnh vào sản xuất công nghiệp và ồ ạt dồn tiền sang lĩnh vực công nghệ, thay vì chỉ tập trung vào vào dịch vụ và bất động sản.
Theo chiến lược mới, trong vòng 10 năm, Vingroup sẽ chuyển đổi trở thành doanh nghiệp với công nghệ là mũi nhọn, mảng kinh doanh dịch vụ sẽ không còn là phần quan trọng nhất. Nếu Vsmart tập trung vào sản xuất các thiết bị điện tử thông minh thì Vintech sẽ hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu, thực nghiệm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa, nguyên liệu thế hệ mới.
Trong năm 2018, ông Vượng đã có cú ra mắt rầm rộ thương hiệu ô tô đầu tiên của Việt Nam: VinFast ở Paris Motor Show 2018 hồi tháng 10 và lộ diện là đơn vị nắm quyền tổ chức Giải đua xe Công thức 1 (F1) tại Việt Nam.
Đại gia số một Việt Nam đang mở rộng hoạt động trên hầu khắp các lĩnh vực, từ mảng sinh lời cho tới phi lợi nhuận. Doanh nghiệp của ông Vượng tiếp tục thực hiện hàng loạt dự án và thương vụ lớn trong nước, từ ra mắt thương hiệu xe máy điện mới tinh Klara, mở rộng mạng lưới bán lẻ VinMart, thương mại điện tử Adayroi, cho đến thâu tóm và nắm quyền kiểm soát chuỗi bán lẻ điện thoại lâu đời tại Việt Nam Viễn Thông A để cùng với hệ thống VinPro có sẵn để củng cố vị thế trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy.
Hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản cũng báo lãi ấn tượng trong năm 2018. Novaland ghi nhận tăng 82% lên hơn 4,7 ngàn tỷ đồng; KBC của ông Đặng Thành Tâm lãi hơn 1 ngàn tỷ đồng (tăng gần 30%); Khang Điền lãi hơn 1 ngàn tỷ đồng (tăng 48%)…
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu ngân hàng hạ nhiệt khiến VN-Index đảo chiều. Một số mã không còn tăng điểm như Vietcombank, Vietinnbank, Techcombank, TPBank, MBBank…
Cổ phiếu Vinhomes, VietJet, Bảo Việt… tăng điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
CTCK Bảo Việt cho rằng, trong hai phiên còn lại của tuần, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục biến động giằng co, đi ngang kèm theo sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Khối ngoại dự kiến sẽ duy trì hoạt động mua ròng và dòng tiền nhiều khả năng sẽ hoạt động tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu trong rổ VN30 trong những phiên tới.
MBS cho rằng, thị trường có phiên điều chỉnh nhẹ về kỹ thuật sau khi tiệm cận đường trung bình 50 ngày hơn là chịu sự tác động từ bên ngoài. Vẫn giữ quan điểm đây là thời điểm hợp lý để giải ngân khi thị trường vẫn từ từ bò lên, việc thị trường có những pha điều chỉnh là cơ hội để gia tăng thanh khoản, củng cố cho xu hướng tăng ngắn hạn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/1, VN-Index giảm 0,09 điểm xuống 915,84 điểm; HNX-Index tăng 0,44 điểm lên 102,81 điểm. Upcom-Index tăng 0,22 điểm lên 54,28 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 165 triệu đơn vị, trị giá 3,8 ngàn tỷ đồng.
H. Tú (VIE)