(GLO)- Dẫu hanh thông, thuận lợi, may mắn gì thì không ít khi chúng ta phải đối mặt với những vướng bận, những thất bại có khi dẫn đến chán nản, tiêu cực… Trong khi suy cho cùng, đó là sự thường trong cuộc đời vốn lắm bất thường, nhiêu khê, rắc rối. Bởi vậy, việc nhanh chóng tìm cách thoát khỏi suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực để mỗi ngày sống trong hữu hạn ngắn ngủi cuộc đời bình thản, nhẹ nhàng, tin yêu luôn là phương châm và giải pháp thức thời.
Lấy ví dụ như chuyện vi rút SARS-CoV-2 đang khiến thế giới lao đao. Dẫu chúng ta đã thần tốc “tiến công” và là quốc gia xếp hàng thứ 2, thứ 3 thế giới thành công khi kịp thời khống chế, ngăn chặn ảnh hưởng và hậu quả dịch bệnh nhưng căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh thực tế, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu đại ý không lấy gì làm chắc là vi rút không còn trong cộng đồng.
Vắc xin đã có giúp công cuộc phòng-chống dịch hiệu quả hơn nhưng chúng ta cũng cần ý thức dịch bệnh chưa hết nguy hiểm, không được lơ là, chủ quan mà thường trực cảnh giác và tăng cường phòng-chống, song cũng tuyệt đối không được mất tinh thần, lo lắng, bối rối, sợ sệt thái quá.
Người và phương tiện qua lại cầu Quý Đức (đoạn giáp ranh giữa huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa) sau khi chốt kiểm dịch được gỡ bỏ sáng 25-2. Ảnh: Vũ Chi |
Không kể từ 2 đợt dịch trước, đợt dịch mới đây tiếp tục “ghi nhận” thêm nhiều chuyện bi hài, oái oăm, cười ra nước mắt về hành xử của con-người-xứ-ta, cả bất cập lẫn thái quá trong phòng-chống dịch, đặc biệt là tình trạng kỳ thị. Những người cố tình làm lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng khiến các cấp, các ngành đôn đáo ngược xuôi, mất nhiều thời gian, công sức, tiền của ngăn chặn phải chịu “búa rìu dư luận”, bị phạt, thậm chí bị truy tố bởi chế tài nghiêm khắc. Nhưng những trường hợp khác “không bị làm sao”, hoàn toàn an toàn, không phải “ngăn cấm”, phong tỏa, cách ly trên thực tế lại bị đối xử thiếu “công bằng”, “trong sáng”, “chân tình”, thậm chí là bị xúc phạm, làm cho thương tổn.
Hùng-một người quen tôi-cho biết, dịp vừa rồi, vợ chồng đứa cháu về quê nội ở 1 tỉnh miền xuôi để ăn Tết với gia đình. Rõ ràng là đôi vợ chồng này “không bị làm sao” nhưng khi vừa tới nơi thì đã bị nhiều ánh mắt soi mói, cảnh giác, nghi ngại. Không hiểu từ lúc nào kể từ khi xuất hiện, ngôi nhà họ đến bị ai đó đánh chéo bằng dấu sơn đỏ “nổi bật”. Thái độ chòm xóm quê nội đôi vợ chồng nọ càng lúc càng gay gắt, khó chịu đến mức nửa đêm, cả 2 buộc phải thuê xe trở ngược về Gia Lai!
Lại chuyện khác cũng tương tự lúc “trà dư tửu hậu” mới đây. Theo lời anh nọ, gia đình người quen cũng bị “đối xử” như vậy khi có việc sang Đak Lak mới rồi. Những ánh mắt dò xét, lời lẽ bóng gió ra chiều “đuổi khéo” khiến họ phải qua loa thăm viếng rồi khăn gói ngược đường trở lại nơi xuất phát. Một nhóm bạn trẻ Gia Lai khác đã phải năn nỉ mỏi miệng mới được quán cơm ở Phú Yên “phục vụ” với điều kiện ai ngồi yên đó trên xe, nhân viên của quán giao túi cơm qua chiếc sào dài thườn thượt!
Cách ứng xử đó, những chuyện đó nói lên điều gì? Tất cả chỉ có thể là do sợ dịch, sợ nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng bản thân, sau nữa là gia đình, người thân, cộng đồng xã hội. Nhưng sợ không có căn cứ, thiếu thông tin rồi sinh ra kỳ thị, xa lánh là rất không nên. Sợ khác với cảnh giác, với hiểu biết và chủ động phòng-chống dịch bệnh.
Trong khi Covid-19 tác oai tác quái gây nhiều lo ngại thì sự lo sợ dẫn đến kỳ thị vô lý vô tình làm cho dịch bệnh thêm nghiêm trọng. Đã có không ít câu chuyện bi hài, đau xót về chuyện này. Việc kỳ thị những người bị cách ly, những người đến từ vùng dịch nhức nhối đến mức nhiều địa phương đề nghị phải làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân ai cũng được “thông”. Sự kỳ thị còn tai hại hơn với chính lực lượng đi đầu phòng chống dịch, đặc biệt là các y-bác sĩ trực tiếp chữa trị người bệnh, mà lẽ ra họ xứng đáng được ghi nhận, tri ân đầu tiên.
Trước sự nguy hiểm như SARS-Cov-2 với hàng triệu người chết thì lo sợ là phản xạ tự nhiên của con người. Nhưng để tâm lý lo sợ chiếm lĩnh rồi điều khiển tâm trí dẫn đến suy nghĩ, cảm xúc tiêu cực là kỳ thị, xa lánh, chối bỏ người khác một cách vô lý, thiếu căn cứ là không thể chấp nhận được. Nguy hại hơn nó chính là rào cản, nếu không nói là rào cản lớn nhất trong việc ngăn chặn và tiêu trừ dịch bệnh.
Trong khó khăn càng phải vững tâm, lạc quan, tin tưởng. Trong gian khổ chiến đấu với dịch bệnh chẳng những không được mảy may sa sút ý chí, lo sợ, lo ngại, buông xuôi mà phải quyết liệt, quyết tâm chiến thắng và đặc biệt tin tưởng, tin yêu ở con người trong sự hợp tác, dốc lòng phòng-chống dịch. Thực tế với ý chí, quyết tâm và niềm tin yêu đó, chúng ta đã chiến thắng, và rồi sẽ tiếp tục chiến thắng SARS-CoV-2!
THẤT SƠN