Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Tình báo Pháp và hai điểm "mù" trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tình báo Pháp được đầu tư tối đa về nhân sự, kỹ thuật và tài chính để nắm bắt các thông tin về đối phương. Tuy nhiên có hai điểm mà tình báo Pháp bất lực – là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.
Tình báo Pháp đã huy động mọi nguồn lực để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Tìm kiếm thông tin về đối thủ ở Điện Biên Phủ để giành chiến thắng là một đòn cân não với tình báo Pháp.
Tướng De Castries, Chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ, có trong tay các thông tin trực tiếp từ Nhóm tác chiến Tây Bắc (GONO) và từ các nguồn bên ngoài. Chỉ huy phòng Nhì GONO, một đơn vị tình báo ban đầu là Đại tá Diestielung (đến cuối tháng 2.1954), sau đó là Đại tá Jacques Noel. Phòng được chia thành ba bộ phận là Bắc, Trung và Nam do các Thiếu úy Guichard, Touzin và Luciani phụ trách. Phòng có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của Việt Minh để báo cáo tổng chỉ huy. Ban đầu phòng Nhì ở Điện Biên Phủ được cấp 20.000 quan/tháng, từ tháng 4.1954 tăng lên 50.000 quan/tháng để chi cho các nhân viên tình báo và người cung cấp thông tin. Việc tăng chi này cho thấy các phương tiện hiện đại không thay thế được những đôi mắt con người và giá mua tin trở nên đắt đỏ trong làn đạn dày đặc của đối phương.
 
Tướng De Castries và các tướng lĩnh sĩ quan Pháp bàn luận kế hoạch xây dựng chốt giữ cứ điểm Điện Biên Phủ (Ảnh IT)
GONO nhận tin từ Đơn vị tình báo tác chiến (SRO), Nhóm đặc biệt bay hỗn hợp (GCMA) và Nhóm can thiệp hỗn hợp (GMI). SRO có mặt ở Điện Biên Phủ trong những ngày đầu của cuộc hành binh Castor (tháng 11.1953) do Đại úy Mayer chỉ huy. Nhân viên của SRO đóng giả làm cu li trà trộn vào các đơn vị của Việt Minh để nắm bắt thông tin. Họ thường cung cấp những thông tin về số lượng lính, trang phục, dân tộc và vũ khí. GCMA sau đổi tên là GMI thành lập vào tháng 12.1953. GMI tập hợp và cử những du kích người Thái và H’Mông đi thu thập thông tin ở các vị trí xung quanh cứ điểm. Một du kích người H’Mông đã phát hiện được sự có mặt của trung đoàn pháo cao xạ 37 mm của Việt Minh tại Tuần Giáo ngày 4.3.1954. Các nhóm này kém hiệu quả khi quân Pháp bị xiết chặt vòng vây ở Điện Biên Phủ.
Số lượng tù binh ít và chỉ có hơn chục lính Việt Minh đảo ngũ. Các thông tin thu được từ họ chủ yếu là vị trí đóng quân và đặc điểm nhận dạng. Một tù binh đã khai ngày tấn công của Việt Minh là ngày 25.1.1954.  
GONO còn thu thập tin từ các đài quan sát của lực lượng pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ. Có 5 đài quan sát đặt ở đồi Béatrice, Gabrielle, Anna Marie, Claudine và ở nóc hầm chỉ huy pháo binh. Các đài quan sát này ngày đêm theo dõi các dấu hiệu đào bới và lắp đặt các ụ pháo của đối phương. Từ ngày 13 đến ngày 17.3.1954, quân Việt Minh lần lượt chiếm cứ điểm Béatrice, Gabrielle và Anna Marie. Quân Pháp mất 3 đài quan sát có tầm nhìn tốt nhất ở Điện Biên Phủ.
Máy bay Morane ở Điện Biên Phủ được sử dụng trinh sát trận địa để hỗ lực lượng mặt đất, nhưng đã bị đối phương loại bỏ ngay trong đợt tấn công đầu tiên. Ngày 23.3.1954, De Castries than thở với tướng Cogny như sau: “Trong khi kẻ thù của chúng ta có một hành lang quan sát tuyệt vời, không một lực lượng hay một sự di chuyển nào của chúng ta thoát khỏi tầm quan sát của họ thì tôi lại như mù vì thiếu các phương tiện trinh thám không quân”.
 
Quân Pháp nhảy dù xuống cụm tập đoàn căn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu
GONO có các nguồn tin bên ngoài từ trinh sát không quân và thông tin kỹ thuật. Không quân Pháp sử dụng hai phi đội máy bay Bearcat và RB26 để chụp ảnh do thám từ trên không, chủ yếu để xác định lại thông tin từ các nguồn khác. Mỗi ngày có từ 1 đến 2 chuyến bay trinh sát. Có một đơn vị chuyên làm nhiệm vụ xử lý không ảnh. Những báo cáo phân tích ảnh sẽ được gửi đến phòng Nhì GONO. Trinh sát không quân gặp khó khăn do địa hình hiểm trở, rừng rậm, sương mù dày và những ngày mưa to từ tháng 4. Có những ngày họ không chụp được chiếc ảnh nào. Việt Minh ngụy trang tài tình đến nỗi trinh sát không quân đành bó tay do không tìm được sơ hở nào của đối phương. Họ chỉ phát hiện được những dấu vết của một số đơn vị, xe cơ giới, chiến hào nhưng đó là khi Việt Minh sắp tấn công nên ít đề phòng.
Hệ thống kiểm soát vô tuyến điện (GCR) thu thập các tín hiệu từ các trạm phát tín hiệu của Việt Minh. Hệ thống kỹ thuật tìm kiếm (STR) nghe trộm các cuộc điện đàm của Việt Minh. Nhiệm vụ giải mã những cuộc gọi bị mã hóa do một đơn vị đóng tại Đà Lạt thực hiện. Từ tháng 12.1953, Việt Minh sử dụng mật mã mới kiểu Trung Quốc nên Pháp không thể phá mã, mãi đến tháng 4.1954 mới phá được mật mã của đại đoàn 320 và 351. Việc giải mã thông tin không dễ dàng do Việt Minh thường xuyên đổi mật mã.
Người Pháp đánh giá cao hoạt động tình báo của Việt Minh. Mọi cuộc hành quân dù lớn hay nhỏ của Việt Minh đều dựa theo thông tin tình báo. Mỗi khi trinh sát Việt Minh có mặt ở đâu thì tình báo Pháp biết sắp có các hoạt động của Việt Minh ở đó. Các đơn vị trinh sát Việt Minh bắt cóc lính Pháp để moi tin. Trong đêm ngày 30.1.1954, họ đã bắt cóc 1 trung sĩ và 5 lính Pháp. Họ đặt các trạm quan sát quanh cứ điểm. Ở trên đồi cao họ quan sát bằng mắt thường hoặc ống nhòm, không bỏ sót bất cứ hoạt động nào của quân Pháp. Sát ngày diễn ra trận đánh họ tăng tốc hoạt động. Họ mạnh dạn đột nhập vào trận địa quân Pháp. Mỗi nhóm trinh sát có 5 người hoạt động theo nguyên tắc. Đêm thứ nhất đột nhập, đêm thứ hai khảo sát kỹ thuật và kiểm tra lại thông tin thu thập được đêm trước, đêm thứ ba đột nhập lại lần nữa. Việt Minh tiến hành nghe trộm nhưng gặp khó khăn trong việc giải mã các cuộc điện đàm của Pháp.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tình báo Pháp được đầu tư tối đa về nhân sự, kỹ thuật và tài chính để nắm bắt các thông tin về đối phương. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các nguồn tin dồi dào và chính xác. Qua tin tình báo người Pháp biết rõ ngày tấn công, quân số, vũ khí, dân công, v.v.. Tuy nhiên, có hai điểm mà tình báo Pháp bất lực đó là chiến thuật sử dụng pháo cao xạ và trọng pháo của Việt Minh (chưa từng sử dụng) và vị trí các hầm pháo trên núi của Việt Minh. Hai điểm mù trong hoạt động tình báo này là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ.                        
Trần Viết Nghĩa (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm