Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tình đồng hương trên đất Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đối với những người lập nghiệp xa quê, không có gì quý hơn là được gặp đồng hương trên quê hương thứ 2. Và dù trong hoàn cảnh nào thì những cuộc gặp gỡ ấy cũng trở thành điểm tựa tinh thần để những người xa quê thêm ấm lòng.

Xa quê đã gần 20 năm nên mỗi dịp Tết đến xuân về, bố mẹ chồng tôi đều dành 1 ngày để tham gia buổi gặp mặt Hội đồng hương làng Đoan Nữ (xã An Mỹ, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) tại TP. Pleiku. Nhà cách địa điểm gặp mặt hơn 30 km nhưng không ngăn được những bước chân tìm về trong tràn ngập niềm vui của những người cùng quê cũ.

Khi đi, mẹ tôi thường mang theo những món quà do người nhà ở quê gửi vào hoặc những thức ngon do chính tay mẹ làm để tặng đồng hương. Mẹ bảo, khi vào Gia Lai lập nghiệp, hầu hết đồng hương của mẹ đều làm nông. Dù còn gặp nhiều khó khăn, song sự đùm bọc, sẻ chia giữa mọi người với nhau đã trở thành động lực để mỗi người, mỗi nhà nỗ lực lao động sản xuất cũng như nuôi dạy các con tốt. Chính vì vậy, đối với mẹ, những cuộc gặp gỡ này càng trở nên đáng quý hơn bởi mọi người không chỉ có cơ hội ôn lại chuyện xưa mà còn có thêm nhiều hoạt động ý nghĩa như: chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, gây quỹ giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho con em vượt khó học giỏi...

Mỗi lần có dịp gặp gỡ một vài người con quê Quảng Nam và Đà Nẵng lập nghiệp tại Gia Lai, tôi luôn nhìn thấy niềm tự hào trong ánh mắt của họ khi kể về quê hương bổn quán. Đa số họ đều cho rằng, dù làm nghề gì và sống ở đâu thì mỗi lần gặp đồng hương là mỗi lần đem đến cho họ niềm vui cũng như sự ấm áp, chân tình. Họ luôn tìm cách giữ liên lạc mỗi khi gặp đồng hương trên mảnh đất Tây Nguyên này. Vì lẽ đó mà cách đây hơn 20 năm, Hội đồng hương Quảng Nam-Đà Nẵng được thành lập với mục đích tạo cơ hội gặp gỡ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Thông qua các cuộc gặp gỡ, các thành viên đã tặng cho nhau những món quà quê thân thương hay những sản vật do chính tay mình làm ra trên quê hương mới, cũng như chia sẻ buồn vui trong cuộc sống. Không những vậy, Hội đã gây quỹ được hơn 200 triệu đồng giúp nhiều thành viên khó khăn vay để phát triển kinh tế gia đình.

Cũng với mục đích trên, những người dân quê ở 2 tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc sinh sống tại Gia Lai đã thành lập Hội đồng hương Vĩnh Phú thu hút hàng ngàn hộ gia đình tham gia. Dù tất bật với cuộc sống nhưng lòng họ luôn hướng về quê hương và sẵn sàng giúp đỡ đồng hương tại nơi ở mới. Mỗi năm, nguồn quỹ quyên góp lên đến hàng trăm triệu đồng giúp những thành viên khó khăn vay phát triển kinh tế, giúp người già neo đơn, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Đặc biệt, nhiều thành viên có cuộc sống khá giả hơn đã tận tình giúp đỡ đồng hương cũng như các hộ dân xung quanh về vốn vay không lấy lãi, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để cùng nhau phát triển. Hàng năm, vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương hay dịp Tết, họ đều tranh thủ gặp mặt để thăm hỏi đời sống, sẻ chia khó khăn cũng như nhắc nhau nhớ về nguồn cội và đoàn kết xây dựng cuộc sống văn hóa nơi miền quê mới.

Với những ai xa quê, mỗi khi gặp đồng hương, họ như tìm lại được hồn quê. Dù chưa quen nhưng chỉ cần nghe giọng quê là đã thấy rưng rưng xao xuyến. Bao ký ức xưa cũ ùa về, tình cảm với nơi chôn nhau cắt rốn càng thêm da diết. Để từ đó, họ tìm cách giữ liên lạc và sẵn sàng sẻ chia với nhau lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như đoàn kết gìn giữ những nét đẹp văn hóa của quê nhà và xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp hơn.

 

 NHẬT HÀO

 

Có thể bạn quan tâm