Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Tinh giản bộ máy không chỉ nhằm vào nhân viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trả lời chất vấn của Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận bộ máy hành chính vẫn còn cồng kềnh, đồng thời nêu quyết tâm từ nay đến năm 2021, mỗi năm giảm ít nhất 2,5% biên chế trong cả hệ thống chính trị. Để thực hiện mục tiêu này, một trong các nhiệm vụ Chính phủ ưu tiên thực hiện là rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác…
 

Ảnh internet
Ảnh internet

Lý do để Thủ tướng khẳng định quyết tâm này là vì công tác cải cách hành chính nhìn chung còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả. Tinh thần hành động quyết liệt đã được thể hiện rõ trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, nhưng vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “thờ ơ”, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vẫn còn hiện tượng nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, chưa ứng xử, thực thi công vụ theo quy định; còn tình trạng lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí gây bức xúc dư luận. Vì vậy, tinh giản biên chế, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ công chức yếu kém để bộ máy hoạt động mạnh hơn, hiệu quả hơn là yêu cầu mang tính cấp thiết.

Hơn 10 năm qua, công cuộc tinh giản biên chế của chúng ta chưa thành công khi các con số được Bộ Nội vụ đưa ra cho thấy bộ máy càng tinh giản lại càng phình to. Thành tích tinh giản lại chỉ tập trung vào đối tượng nghỉ hưu, nghỉ mất sức hoặc nghỉ chế độ. Các mục tiêu, nhiệm vụ liên quan đến vấn đề tinh giản biên chế giao cho các bộ, ngành, địa phương liên tục bị lỗi hẹn, khiến công tác này rơi vào bế tắc. Điều dư luận quan tâm là tinh giản vài ba lao động hợp đồng, công chức viên chức “quèn” không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm là việc đã khó, còn với những người là lãnh đạo không có năng lực liệu có đơn giản? Lâu nay, nhiều người quan niệm, cứ ngồi được vào ghế lãnh đạo trong một cơ quan là “ấm chân”, không lo bị mất việc.

Dư luận xã hội từng râm ran về nạn chạy chức chạy quyền, và cho đó là nguyên nhân một số người kém về năng lực, đạo đức lại giữ các vị trí lãnh đạo. Có người tồn tại trong hệ thống không phải do tài năng hay vì cơ quan thiếu nhân lực trầm trọng, mà là do nhiều yếu tố khác. Đây chính là lực lượng cản phá lớn nhất đối với việc cải cách năng lực của hệ thống hành chính. Vấn đề là với những người được giao trọng trách, ngồi vào những vị trí then chốt, nhưng yếu năng lực chuyên môn, kém nhạy bén, thiếu quyết đoán để có thể đưa ra các quyết sách đúng đắn, không điều hành, sử dụng lao động đúng với sở trường chuyên môn, thậm chí còn là mầm mống của sự chia rẽ bè phái trong nội bộ… Có tiêu chí nào xếp họ vào nhóm đối tượng chính để tinh giản biên chế hay không?

Không ít lần trên nghị trường, các đại biểu Quốc hội công khai nói về tình trạng “lạm phát cấp phó” ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, địa phương. Có những đơn vị chỉ có lãnh đạo, người làm quản lý mà không có nhân viên. Và thực tế đã có nhiều bộ, ngành, địa phương phải “tự gọt chân mình”. Nhưng đó chỉ là kết quả sau quá trình vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng.

Công tác cải cách hành chính có hiệu quả hay không phải bắt nguồn từ người đứng đầu. Người đứng đầu có sát sao, mẫu mực, có trình độ, năng lực, dám chịu trách nhiệm… thì mới thúc đẩy được tiến trình này. Nếu không thì bộ máy hành chính vẫn sẽ mãi mãi cồng kềnh, kém hiệu quả; công tác điều hành của Chính phủ vẫn sẽ rơi vào tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “thờ ơ”, đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên như Thủ tướng đã nhận định trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội mà thôi.

Muốn bộ máy hành chính hoạt động có hiệu quả, ngoài tinh giản biên chế còn phải đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Phát triển chính phủ điện tử để hạn chế thói nhũng nhiễu, cửa quyền, vô cảm, thấy sai vẫn làm của một bộ phận cán bộ, công chức. Đặc biệt là phải kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ lãnh đạo yếu kém năng lực phẩm chất, không vì nể nang mà chờ hết nhiệm kỳ, chờ đến tuổi nghỉ hưu.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm