Du lịch

Tinh mơ ở Đà Lạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đà Lạt đẹp. Vì vậy mà rất nhiều du khách đến đây để chiêm ngưỡng, khám phá vẻ quyến rũ, huyền bí của thành phố mộng mơ này. Người yêu hoa thì tìm đến đây thưởng hoa, chụp ảnh để làm kỷ niệm. Dân phượt thì đánh xe máy lên đây cho bằng được để băng rừng, vượt thác, lội suối, trèo đèo thỏa chí phiêu lưu. Người thì vì uể oải cái nóng ngột ngạt của thị thành công nghiệp, đến đây để đắm mình trong cái lạnh buốt da. Riêng tôi, tôi mê Đà Lạt vì những buổi tinh mơ thật yên ả, hiền hòa.

Những buổi tinh mơ ở Đà Lạt, trong khi nhiều du khách còn cuộn mình trong chăn bông ngon giấc thì người dân bản địa đã thức dậy tự bao giờ. Một ngày mới với nhiều kế hoạch mới. Dân buôn bán tấp nập vận chuyển hàng hóa ra chợ Đà Lạt để chuẩn bị cho phiên chợ sáng thường nhật. Hình ảnh quen thuộc ở bất cứ chợ nào trong cả nước. Nhưng cái lạ là ở chỗ không gian nơi đây nhẹ nhàng, yên ả. Rất ít cảnh la hét í ới, hay những thanh âm ồn ào bởi tiếng còi, tiếng động cơ ô tô. Việc ai nấy làm, không có cảnh giành giật, đố kỵ, nóng nảy. Thành phố không đèn tín hiệu giao thông, chẳng kẹt xe nên nơi đây bình yên, nhã nhặn cũng là điều dễ hiểu.

 

Hồ Xuân Hương (Đà Lạt) buổi tinh mơ. Ảnh: T.V
Hồ Xuân Hương (Đà Lạt) buổi tinh mơ. Ảnh: T.V

Phố Đà Lạt hiền hòa như chính người dân nơi đây. Nhiều lần, tôi bắt gặp một bà cụ trạc 70 tuổi, ngồi bán hoa ở góc cầu thang, lối dẫn lên đường Lê Đại Hành. Bà bày hàng từ rất sớm. Bất chấp tuổi tác, bà vẫn thách thức thời tiết mỗi ngày. Gian hàng của bà nhỏ thôi, bé tẹo như những chậu hoa hồng, hoa ly, oải hương, cúc, sen đá… bày trên nền đất. Nhưng nó đẹp, quyến rũ đến lạ kỳ. Khi được hỏi tuổi già rồi, bà dậy sớm quá không sợ đổ bệnh sao, bà cười, nụ cười toát lên vẻ phúc hậu: “Quen rồi cháu ơi! Lời có bao nhiêu đâu. Nhưng sáng nào không dậy sớm đi chợ là nhớ”.

Dọc bờ hồ Xuân Hương, tầm 4 giờ sáng người bản địa chạy thể dục đông đúc. Họ đã quá quen thuộc với cái lạnh đỏng đảnh của Đà Lạt nên dù nhiệt độ tầm 15-16oC vẫn mặc áo thun mỏng tang chạy vòng quanh bờ hồ bình thường. Giống như rau, củ, quả Đà Lạt xanh tốt nhờ khí hậu lạnh, người dân xứ ngàn hoa này thường có da thịt chắc khỏe, hồng hào. Những ông cụ, bà lão tuổi đã quá thất tuần nhưng vẫn chạy đều đặn, nụ cười luôn nở trên môi. Có vài đôi vợ chồng già, hạnh phúc lắm, lúc ngồi nghỉ lại dùng khăn lau mồ hôi cho nhau trông như những đôi vợ chồng son. Họ thân thiện, mến khách, chỉ cần hỏi về Đà Lạt là họ xởi lởi, nói huyên thuyên với vẻ tự hào. Họ yêu Đà Lạt và không bao giờ biết chán khi nói về ngọn rau, luống hoa trên quê hương mình.

Những buổi tinh mơ, tôi đạp xe lang thang khắp trung tâm Đà Lạt để ngắm nhìn những màn sương mỏng, nhẹ như giọt cà phê rơi giăng mờ quanh bưu điện, nhà thờ Con Gà hay những nhành mai anh đào xoài ra lòng hồ Xuân Hương yểu điệu. Những hạt ngọc trời đọng lại trên mỗi cánh hoa hồng sắp tan biến vào lòng đất, khiến cho bác phó nháy phải xuyến xao. Tôi lại cảm thấy ấm lòng bởi tách trà gừng, trà atiso, hay ly cà phê, sữa đậu nành váng màng thơm bát ngát. Rẻ thôi, chỉ vài ngàn đồng nhưng đủ làm cho du khách hưng phấn giữa cái lạnh của xứ đại ngàn. Chẳng những thế, đi chợ Đà Lạt vào buổi sớm mai, du khách có thể mua được những thứ hoa, rau, củ, quả tươi nhất, ngon nhất về làm quà cho người thân.

Sau mỗi chuyến đi, trở về nơi làm việc, bạn tôi hỏi: “Chán Đà Lạt chưa?”. Tôi cười, tất nhiên trả lời là chưa. Lạ kỳ thay, tôi đã đến Đà Lạt hơn mười lần nhưng vẫn thấy Đà Lạt dường như mới lạ. Tất cả không di dịch, không sửa sang, ngược lại còn cổ kính, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của người bản địa. Nhưng trong trí tưởng tượng huyền hoặc của tôi, Đà Lạt buổi tinh mơ như một thành phố liêu trai, quyến rũ đến mê hoặc. Chỉ cần đưa mắt nhìn làn mây mỏng giăng ngang trời, rọi xuống lòng hồ Xuân Hương, tôi nhìn thấy những nàng thiên nga đang tung tăng bơi lội trong dòng nước xanh trong vắt. Hay lúc ngắm những rừng thông ở phía xa lơ xa lắc, trong làn sương mờ ảo, tôi lại bắt gặp những mái đình, chùa tọa lạc trang nghiêm.

Nguyễn Thanh Vũ

Có thể bạn quan tâm