Chính trị

Tin tức

Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức HCM

Tinh thần đoàn kết các dân tộc và quốc tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sinh thời, Bác Hồ quan tâm đặc biệt đến vấn đề đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào. Bác nói: “Có đoàn kết và bình đẳng giữa các dân tộc thì chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của miền núi mới phát triển. Đời sống của nhân dân miền núi được nâng lên thì mới xóa bỏ dần những khoảng cách giữa các vùng, miền, miền núi mới có thể từng bước tiến kịp miền xuôi. Các chú đều biết là miền núi nước ta chiếm một vị trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô các chú, phải chăm lo đến việc củng cố quốc phòng, duy trì trật tự trị an…”.

Ảnh: Đức Thụy

Trong thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku, ngày 19-4-1946, Bác đánh giá rất cao vai trò của đoàn kết các dân tộc. Người khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Đồng thời, Người còn dạy: “… Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta. Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Ngày hôm nay, lễ hội Festival Cồng chiêng Quốc tế đã diễn ra. Một năm qua, bà con Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung đã chờ đợi và chuẩn bị trong niềm hân hoan, háo hức giờ phút này. Hòa vào không khí lễ hội có hàng chục đoàn của 31 tỉnh, thành phố trong nước và 5 đoàn cồng chiêng nước ngoài, ngoài ra  còn có vô số khách du lịch từ khắp nơi trên đất nước và quốc tế đổ về miền đất thân yêu này.

Thành phố Pleiku giờ đây được khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ. Dọc các con phố, cờ, khẩu hiệu, băng rôn, chào mừng Festival đã được trang hoàng lộng lẫy. Đặc biệt, tại các tuyến đường lớn, địa điểm diễn ra lễ khai mạc, bế mạc đã được sửa sang và trang hoàng. Nơi ăn, ở của đại biểu, khách mời, các đoàn cồng chiêng đã được sắp xếp chu đáo...

Festival Cồng chiêng Quốc tế năm 2009 tại Gia Lai là dịp tôn vinh giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, một loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Theo kết quả điều tra năm 2008, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 5.655 bộ cồng chiêng, là tỉnh còn giữ được nhiều cồng chiêng nhất trong các tỉnh Tây Nguyên. Đáng chú ý nhất là chiếc chiêng đồng lớn nhất Việt Nam mới lập kỷ lục Guinness có đường kính 2,5 mét, trọng lượng 700 kg. Chiêng được đúc từ 1 tấn đồng, 1 tạ thiếc do các nghệ nhân ở làng đúc đồng truyền thống Phước Kiều, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thực hiện. Đây là loại chiêng có núm, với 3 vòng tròn đồng tâm, hoa văn trang trí đẹp mắt, tinh xảo theo truyền thống Tây Nguyên cùng hình ảnh đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đoàn kết nắm chặt tay nhau.

Giờ phút này tất cả các đoàn đã sẵn sàng cho việc biểu diễn các tiết mục cồng chiêng, giao lưu cách chỉnh chiêng,... cùng với sự tham gia của hơn 3.000 diễn viên, nghệ nhân và quần chúng là học sinh, sinh viên, bộ đội và các đội cồng chiêng ở 31 tỉnh, thành trong cả nước góp phần làm cho không khí phố núi thêm rộn rã, vui tươi.

Đến với Festival, du khách không những có cơ hội tìm hiểu lịch sử, văn hóa Tây Nguyên thông qua các hoạt động mang đậm giá trị văn hóa dân tộc như phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa. Ngoài ra, du khách cảm thấy một không khí ấm cúng, chan chứa tình người, tận hưởng âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió của đại ngàn Tây Nguyên.

Qua lễ hội này đã thể hiện truyền thống đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và thế giới như Bác hằng mong mỏi: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Nhật Minh

Có thể bạn quan tâm