Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tính thiêng của cồng chiêng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong văn hóa truyền thống và tín ngưỡng đa thần của đồng bào Tây Nguyên thì cồng chiêng không phải là nhạc cụ đơn thuần mà chứa đựng yếu tố tâm linh, tức là có linh hồn, cần được bảo vệ và tôn trọng.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phan Đăng Nhật cho rằng: Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là nhạc cụ, nó còn là một khí cụ linh thiêng, một ngôn ngữ kỳ diệu, là thông điệp giữa người và thần linh vì bản thân nó, theo niềm tin của đồng bào bản địa là nơi cư ngụ của những vị thần. Thần chiêng có cuộc sống tình cảm, có khi vui buồn, giận hờn. Thần chiêng có gia đình: chiêng mẹ, chiêng bố, chiêng con. Thần chiêng có thể trợ giúp con người được giàu sang, hạnh phúc và khi bị xúc phạm có thể gây tai họa cho con người.
Xưa nay trong tâm thức của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên thì cồng chiêng không những là tài sản vật chất quý giá mà họ còn xem nó như vị “thần chiêng” đầy linh ứng, có thần lực chi phối đời sống cá nhân và cộng đồng. Con người là nhân tố kết nối giữa thần chiêng và cộng đồng nên khi sử dụng nhạc cụ này vào các mục đích khác nhau đều phải được phép của thần-một chủ thể linh thiêng vô hình được cộng đồng tôn trọng. Các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên khi sở hữu bộ chiêng mới, bên cạnh việc thẩm âm tức là làm cho chiêng cất tiếng, họ còn thực hiện nghi thức cúng chiêng nhằm chính thức được “thần chiêng” chứng nhận.
Thường thì trong lễ cúng chiêng do già làng hoặc chủ nhân của gia đình đảm trách với các lễ vật như: ché rượu cần, con gà cắt lấy tiết và cơm lam… Khi già làng đọc lời khấn Yàng và các vị thần, trong đó có thần chiêng chứng giám rồi lấy tiết gà vẩy lên từng chiếc chiêng được bày ra trong lễ cúng. Cuối cùng, chủ lễ lấy mấy hạt gạo bỏ vào ché rượu đã châm nước. Nếu hạt gạo thẳng đứng thì xem như thần đã vui vẻ chấp thuận, ngược lại hạt gạo nằm ngang thì thần chiêng chưa đồng ý. Và nếu vậy, chủ lễ phải khấn lại đôi lần đến khi thần chấp nhận mới cho mọi người cầm dàn chiêng lên đánh, xem như thần chiêng đã hòa cùng cộng đồng buôn làng.
Trước khi đem chiêng Tha (gồm 2 chiếc: chiêng vợ, chiêng chồng) ra sử dụng, người Brâu ở Đak Mế (Kon Tum) bao giờ cũng cho Tha ăn uống (rượu và thịt) rồi mới “gọ tha pơi” tức “mời Tha nói” thay vì nói “đánh chiêng Tha”. Họ cất giữ chiêng Tha rất kỹ và treo cách mặt đất một đoạn, nơi ít người qua lại, dòm ngó… Vì lý do nào đó, người chủ phải rời bộ chiêng Tha của mình (bán hoặc trao đổi với người khác), người Brâu phải làm nghi lễ cúng (rượu, thịt gà) và khấn thần chiêng, nói rõ lý do phải chuyển Tha cho chủ khác và thể hiện tình cảm quý mến khi xa rời, mong Tha luôn nhớ đến mình.
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Biểu diễn cồng chiêng tại Lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh). Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc
Tộc người Cor ở vùng miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng lưu giữ tục cúng chiêng khi mới mua về và mỗi lần đem chiêng ra sử dụng trong các lễ hội đều phải cúng hồn chiêng với lễ vật rượu cần, thịt gà; không ai được tự ý đem chiêng ra khỏi nhà khi chưa thực hiện nghi lễ với thần chiêng. Người đang có tang chế không được đánh chiêng… Các dân tộc Raglai, Cơ Ho quan niệm rằng, không có cồng chiêng thì không có vật gì để xướng gọi thần linh và tổ tiên về dự lễ hội của cộng đồng. Chỉ có thần chiêng mới kết nối với Yàng và ông bà ở thế giới bên kia. Với họ, cồng chiêng có một giá trị đặc biệt trong đời sống tinh thần mà không có gì thay thế được.
Trong quan niệm của hầu hết các dân tộc bản địa Trường Sơn-Tây Nguyên thì cồng chiêng luôn mang tính thiêng nên không được đem sử dụng, biểu diễn bừa bãi mà chỉ sử dụng trong các lễ hội của buôn làng, từ các nghi lễ vòng đời con người đến nghi lễ trong sản xuất nông nghiệp.
Ngày nay, không gian văn hóa của các cộng đồng dân tộc bản địa có nhiều biến đổi, nhiều phong tục tập quán, nghi lễ, lễ hội bị phai nhạt, quên lãng, buôn làng gắn với rừng bị phá vỡ nên không gian diễn xướng cồng chiêng truyền thống không còn nguyên thể như xưa mà nó thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại. Chính vì thế, tính thiêng của cồng chiêng trong tâm thức dân tộc bản địa có phần bị pha loãng và dần dần người ta sử dụng nó như một loại nhạc cụ đặc thù của người Tây Nguyên được đem ra biểu diễn thường xuyên hơn để giới thiệu với du khách.
Do vậy, di sản cần bảo vệ là “không gian văn hóa cồng chiêng”, trong đó bao gồm cả phần lễ hội, phong tục gắn với cồng chiêng, đặc biệt là nhận thức về giá trị của nó ở cộng đồng dân tộc bản địa để họ tự mình bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng phù hợp với xu thế phát triển hiện nay.
BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm