Sống trẻ - Sống đẹp

Tình thương vượt qua hủ tục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Đèo Lò Xo trên cung đường Hồ Chí Minh (giáp ranh giữa hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam) được xem là 'điểm đen' về tai nạn giao thông. Do đó, từ năm 2014, Huyện Đoàn Đác Glây và xã Đác Man (Kon Tum) đã thành lập Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ, ứng cứu nhanh trên đèo Lò Xo gồm 10 thành viên, chủ yếu là thanh niên dân tộc Giẻ Triêng, do anh A Chải làm Đội trưởng.

 
 Anh A Chải (người ngoài cùng bên trái) và các thành viên Đội cứu hộ trong một lần cứu hộ trên đèo Lò Xo.
Anh A Chải (người ngoài cùng bên trái) và các thành viên Đội cứu hộ trong một lần cứu hộ trên đèo Lò Xo.



Sinh sống trên khu vực đèo Lò Xo chủ yếu là cộng đồng dân tộc Giẻ Triêng. Không biết từ bao giờ nhiều người thường quan niệm: người chết vì tai nạn giao thông, bom, mìn, bị thú rừng cắn… là không được cứu giúp, trừ khi đó là người nhà, vì sợ con “ma xấu” báo hại. Tuy nhiên, chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đèo Lò Xo, lòng nhân ái của bà con nơi đây đã chiến thắng hủ tục.

Anh A Chải ở làng Măng Khênh, xã Đác Man, huyện Đác Glây (Kon Tum) cho biết: Do quan niệm như vậy cho nên khi được gọi tham gia cứu nạn, một số thành viên trong làng cứ “gãi đầu, gãi tai” vì ngại. Như vụ tai nạn ngày 21-4-2005, xe ô-tô chở 31 cựu chiến binh từ phía bắc vào thăm chiến trường xưa đã lao xuống vực sâu đèo Lò Xo làm chết 29 người.

Khi ấy chỉ có lực lượng cảnh sát giao thông, công an, bộ đội, nhân viên y tế tham gia cứu nạn. Còn người dân địa phương chỉ đứng từ xa nhìn. Không những thế, các dụng cụ như dao, cuốc, xẻng... cho đội cứu hộ mượn, người dân đều vứt bỏ hết vì sợ con “ma xấu” theo về bắt tội. A Chải đi cứu nạn về cũng bị gia đình phê phán. Cùng sự tuyên truyền, giải thích của chính quyền xã, Đoàn thanh niên, cũng như sau khi phải chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm trên đèo Lò Xo, cho nên dần dần người Giẻ Triêng đã bỏ được quan niệm lạc hậu xưa.

Anh A Chải cho biết: Trong bốn năm thành lập, Đội Thanh niên tình nguyện cứu hộ đã cứu hàng trăm người trong hoạn nạn. Đội cứu hộ được thành lập ở tỉnh Kon Tum, nhưng “trận” cứu người số lượng lớn đầu tiên lại ở địa phận huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Đó là vụ tai nạn giao thông ngày 18-4-2015, Đội phối hợp Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cấp cứu 29 nạn nhân, trong đó có hai người chết, 17 người bị thương; tiếp đến là ngày 23-6-2015, Đội tham gia cứu nạn xe khách rớt xuống vực đèo Lò Xo cũng ở phía huyện Phước Sơn, có 34 nạn nhân, trong đó có một người chết, sáu người bị thương nặng. Gần đây nhất là vụ tai nạn vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 1-3-2018, xe khách 45 chỗ chở 20 người chạy tuyến Hà Nam - Gia Lai lao xuống vực sâu khoảng 70 m. Hậu quả một người chết tại chỗ; 19 người bị thương. Các thành viên trong đội đã thức suốt đêm để cứu hộ.

Không có lương, cũng không có tiền bồi dưỡng, nhưng dù mưa hay nắng, ban ngày hay giữa đêm khuya, chỉ cần một tin báo là anh em trong Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ lập tức lên đường phối hợp lực lượng chức năng hỗ trợ người bị nạn. Anh Đinh Văn Hoàng, một thành viên trong đội cứu hộ cho biết: “Xuất phát từ lòng thương người mà chúng tôi đã vượt qua tập tục lạc hậu. Bây giờ thì đã quen rồi, trên đèo Lò Xo này ít người lắm, mình không giúp họ thì ai giúp”. Những việc làm đầy tình người của Đội thanh niên tình nguyện cứu hộ người dân tộc Giẻ Triêng trên đèo Lò Xo rất cần được biểu dương và nhân rộng.

Đinh Sỹ Tạo (Nhân Dân)

Có thể bạn quan tâm