Kinh tế

Doanh nghiệp

Tình trạng "ném tiền qua cửa sổ" của Tập đoàn dầu khí PVN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không phải bây giờ, mà ngay tại thời điểm “mang chuông đi đánh nước người” (tháng 6 năm 2010) người ta đã cảnh báo về tình trạng “ném tiền qua cửa sổ” của Tập đoàn dầu khí (PVN). Nhưng đến giờ câu chuyện vì sao PVN vẫn “cố đấm ăn xôi” vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp?
 
Một góc mỏ dầu Junin 2. (Ảnh: PVN)
Đến giờ, những ngoắt ngéo về đường đi và thời điểm triển khai dự án “Khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2” có những bước thần tốc mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Từ tháng 5.2009, PVN đã khẩn trương cho tiến hành các hoạt động phối hợp thăm dò, đàm phán để đến ngày 29.6.2010, PVN đã cho ký hợp đồng liên doanh với phía Venezuela.
Phớt lờ quy định
Đơn giản là lãnh đạo PVN lúc đó muốn “né” Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2010. Đây cũng là cái lý để  PVN lúc đó phớt lờ 2 cảnh báo của Bộ KH&ĐT và  Bộ Tài chính. Theo đó, ngày 5.8.2010, Bộ KH&ĐT đã đề nghị phải khẩn trương hoàn tất hồ sơ dự án để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Tiếp đó, ngày 10.8.2010, Bộ Tài chính cũng có công văn khẳng định rằng theo Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội khóa 12 thì PVN phải lập hồ sơ trình xin chủ trương Quốc hội. Kể cả như thế thì đến nay lãnh đạo PVN cũng không thể nào giải thích được vì sao không chấp hành Nghị định 09/2009/NĐ-CP về “quản lý tài chính công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 03 năm 2009.
Khi xác định tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của dự án Junin 2 là 1,825 tỉ USD là của PVN (cả vốn chủ sở hữu và vốn vay) đều là vốn nhà nước thì đây là dự án, công trình quan trọng của quốc gia thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66/2006 của Quốc hội khóa 11. Theo đó, tại khoản 1 Điều 2 của nghị quyết này nêu: “Quy mô vốn đầu tư từ hai mươi nghìn tỉ đồng Việt Nam trở lên đối với dự án, công trình có sử dụng từ ba mươi phần trăm vốn nhà nước trở lên” được xem là dự án, công trình quan trọng quốc gia và phải thông qua Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Các hoạt động truyền thông cho dự án “Khai thác và nâng cấp dầu nặng lo Junin 2” được thực hiện rầm rộ. Nhưng không hiểu sao, ngoài 2 văn bản khuyến cáo của Bộ KH&ĐT và  Bộ Tài chính không thấy cơ quan nào “tuýt còi” là một vấn đề lớn sẽ được cơ quan điều tra làm rõ.
Coi thường cảnh báo rủi ro
Hợp đồng hợp tác liên doanh giữa ngành dầu khí hai nước có thời hạn tối đa 25 năm kể từ ngày ký kết với thời gian gia hạn tối đa 15 năm. Khu vực phát triển có diện tích 247,8 km² với trữ lượng dầu thô tại chỗ là 36,6 tỷ thùng. Trữ lượng thu hồi khai thác trong 25 năm là 1,466 tỷ thùng dầu, trong trường hợp gia hạn thêm 15 năm khai thác có thể lên tới 2,5 tỷ thùng dầu. Sản lượng khai thác ban đầu dự kiến 50.000 thùng/ngày và đạt đỉnh 200.000 thùng/ngày vào năm 2015. Tổng mức đầu tư của Dự án trong giai đoạn 2009-2014 của PVN/PVEP là 1,825 tỷ USD.
Trong một văn bản gửi cho Thủ tướng ngày 5.8 .2010, Bộ KH&ĐT đã phân tích các rủi ro tại thị trường Venezuela. Trong đó, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh: Rủi ro về chính trị (thay đổi thể chế), đặc biệt là về tài chính (lạm phát, chênh lệch tỉ giá, yêu cầu sử dụng dịch vụ nội địa, phá giá đồng tiền ngày 9.1.2010 mất 50% giá trị). Những khuyến cáo của Bộ KH&ĐT là “phải được cân nhắc hết sức thận trọng, đặc biệt khi nó được đầu tư bằng vốn nhà nước và vốn vay của doanh nghiệp nhà nước”.
Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 10.8.2010, Bộ Tài chính cảnh báo về một loạt yếu tố rủi ro về khoản góp vốn của PVN khi chưa có đánh giá cụ thể, chưa cập nhật các chi phí, tỉ suất thu hồi vốn…
Phí cơ hội hay mua “vịt trời”
Khi tham gia Công ty Liên doanh PetroMacareo - pháp nhân được thành lập bởi Tập đoàn Dầu khí quốc gia hai nước (PVN và PDVSA) , phía PVN đã chấp nhận một điều khoản là phải trả “phí tham gia” (bonus) cho Venezuela với mức 1 USD/thùng dầu và trong vòng 30 tháng, bất kể có dầu hay không PVN vẫn phải nộp đủ phí này.
Phí “bonus” được hiểu là tiền thưởng thêm cho đối tác khi làm việc có kết quả tốt hay công ty có lời. Nhưng khi kết quả thăm dò tại Junin 2 trữ lượng dầu chưa rõ ràng, Công ty Dầu khí quốc doanh Venezuela - đơn vị liên doanh với PVN cũng đang lâm vào tình trạng bi đát. Các tổ chức xếp hàng tín nhiệm quốc tế không xếp hạng đối với công ty này, tình hình kinh tế vĩ mô của Venezuela cũng cực kỳ rủi ro thì PVN đã “tự nguyện” chuyển 300 triệu USD tiền mặt nộp cho phía Venezuela.
Các luật sư cho rằng trong hợp đồng dạng này, ngay cả chấp nhận commission (tiền hoa hồng),  cũng là điều cần phải cân nhắc chứ không phải phí bonus bất hợp lý như thế. Ngạc nhiên hơn nữa là thời điểm chuyển phí bonus đợt 1 này trước ngày 12.5.2011, thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký với cơ quan chức năng Venezuela.
Sau đó một năm, tức ngày 12.5.2012, PVN tiếp tục nộp cho Venezuela 142 triệu USD (đợt 2). Khá ngạc nhiên hơn là các chuyên gia đàm phán PVN đã cài điều kiện cực kỳ bất lợi khi  chấp nhận 15 ngày sau thời hạn này, nếu không nộp đủ tiền, “toàn bộ cổ phần” của PVN trong liên doanh sẽ “tự động bị chuyển” cho đối tác Venezuela; phía PVN/PVEF cũng sẽ “không được quyền thanh toán hoặc đền bù bất cứ đồng nào từ các khoản đã đóng góp, vay vốn hay đầu tư” ở Junin 2.
Theo báo cáo tài chính năm 2016 của PVN,  thì dù PVN ngừng nộp cho phía Venuezuela khoản chi phí lần ba là 142 triệu USD thì họ cũng đã chuyển cho đối tác phí bonus hai lần với hơn 442 triệu USD. Chuyện PVN đã rơi vào nguy cơ mất trắng 442/584 triệu USD “phí tham gia” hợp đồng như chuyện mua vịt trời trong chuyện cổ tích.
Phải đến khi có kết luận của Cơ quan cảnh sát điều tra người ta mới có thể biết hết những dích dắc của bản hợp đồng kỳ lạ này, có điều với số tiền  tiền "bonus” này cùng với 90 triệu USD tiền góp vốn, thì tổng số tiền PVN gần như đã mất trắng là 532 triệu USD. Số tiền này tính theo tỷ giá hiện nay có giá trị khoảng 13.000 tỷ đồng.
An Thanh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm