(GLO)- Bây giờ, điểm trường làng Roh đã trở thành điểm sáng của xã Ia Blang (huyện Chư Sê) khi khuôn viên trường đang dần trở nên khang trang, sạch đẹp nhờ chính bàn tay và tấm lòng của những cô giáo tận tâm.
Một thời gian khó
Điểm trường làng Roh của Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng và Trường Mẫu giáo Hướng Dương (xã Ia Blang) được xây dựng và đi vào hoạt động để phục vụ con em bà con vùng khó đã ngót 15 năm nay. Điểm trường nằm ngay đầu làng, bên cạnh con đường đất, không có sân, không hàng rào, cổng ngõ. Cô Vũ Thị Len-giáo viên điểm trường, kể: “Chỉ vài tháng trước đây thôi, điểm trường này còn rất nhếch nhác, 2 bên dãy phòng học là 2 vũng nước đọng rất to, học sinh lúc nào cũng lấm lem bùn đất vì nghịch nước, phòng học vì thế cũng cáu bẩn theo. Tôi không thể nhớ được là một ngày tôi phải lau dọn bao nhiều lần”.
Học trò làng Roh đã được sinh hoạt trong một khuôn viên sạch đẹp. Ảnh: N.G |
Ngoài ra, các cô giáo điểm trường này luôn phải đi sớm để dọn dẹp rác thải xả ra quanh điểm trường sau một đêm. Vì không có tường rào, cổng ngõ nên tối đến, thanh niên làng thường tụ tập đốt lửa, uống rượu ngay trên bậc thềm các lớp học. “Nhiều khi có hiềm khích, thanh niên đánh nhau, đập vỡ kính cửa sổ, cửa chính các lớp học là chuyện bình thường. Nói chung, mặc dù là điểm trường nhưng nơi này rất phức tạp”-anh Đỗ Lẹt, một người dân ở đối diện điểm trường làng Roh cho biết. Không những thế, vì đường và sân trường không được ngăn cách nên các loại phương tiện giao thông vào làng vô tư lấn chiếm, coi sân trường và con đường là một. Do đó, vào mùa mưa, điểm trường này ngập trong bùn đất.
Công trình của tình yêu học trò
Năm học 2017-2018, cô Nguyễn Thị Công và cô Võ Thị Bích Tuyền-giáo viên Trường Tiểu học Tôn Đức Thắng và cô Vũ Thị Len-giáo viên Trường Mẫu giáo Hướng Dương được phân công về dạy ở điểm làng Roh. Nhìn cảnh trường lớp nhếch nhác, học sinh đi học lấm lem bùn đất, các cô không thể yên lòng. Trường chính không có kinh phí rót về, các cô quyết định vận động các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn huyện và các hộ dân sống gần điểm trường đóng góp kinh phí để làm khuôn viên. “Cứ giờ ra chơi, hết giờ học buổi sáng là chị em chúng tôi tranh thủ đi vận động sự hỗ trợ của mọi người. Nhà cho ít, nhà cho nhiều, có nhà không cho vì khẳng định chúng tôi lừa đảo nên nói nặng nói nhẹ, nhưng chị em tôi không nản lòng, phải quyết xin để làm cho được cái sân cho học trò vui chơi”-cô Nguyễn Thị Công nói.
Công trình sân bê tông, hàng rào lưới, cổng sắt của điểm trường làng Roh sạch đẹp như hôm nay trị giá hơn 15 triệu đồng được các cô làm theo kiểu cuốn chiếu, xin được đến đâu, làm đến đó. “Công trình đang dang dở nhưng hết tiền nên chúng tôi bàn nhau trích một phần lương bỏ vào làm cho kịp tiến độ rồi lại đi vận động. Khi đổ xong sân bê tông còn dư ít tiền, chúng tôi nghĩ đến việc làm hàng rào đổ móng bằng đá chẻ hẳn hoi, thế là lại tiếp tục đi vận động cho đủ tiền làm hàng rào. Làm hàng rào xong dư chút đỉnh, chúng tôi quyết định làm cổng sắt. Cứ thế, sau 2 tuần với sự giúp công của dân làng, đầu tháng 11-2017, điểm trường làng Roh đã có sân bê tông, hàng rào, cổng ngõ”-cô Công bày tỏ.
Ở công trình này, cô Nguyễn Thị Công như một người chị cả quán xuyến từ tài chính đến giám sát công trình, thúc giục bà con dân làng tham gia xây dựng. Còn cô Võ Thị Bích Tuyền kể lại một câu chuyện cảm động: “Cuối tháng 10, tôi tự bỏ tiền đăng ký tham gia khóa học 2 ngày dành cho giáo viên mang tên “dạy học tích cực” ở TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, tôi đã chia sẻ câu chuyện của những học sinh làng Roh, câu chuyện chúng tôi đang đi vận động kinh phí để làm khuôn viên cho điểm trường làng Roh. Thật bất ngờ, Ban tổ chức khóa học ủng hộ ngay 3 triệu đồng và miễn phí tiền học cho tôi vì tôi là giáo viên vùng khó duy nhất của khóa học. Những giáo viên tham gia học cùng tôi cũng nhiệt tình ủng hộ nên tổng cộng điểm trường làng Roh nhận được 10 triệu đồng. Số tiền 1 triệu đồng được miễn học phí tôi cũng ủng hộ luôn học sinh của mình”.
Sau khi hoàn thành công trình khuôn viên điểm trường làng Roh, với số tiền dư ra 5 triệu đồng, các cô lại bàn nhau quét vôi lại cho các lớp học, mua áo ấm đồng phục và bút vở cho học sinh làng Roh. Anh Đỗ Lẹt-người đã góp công và ủng hộ đá chẻ, cọc bê tông để làm công trình này ghi nhận: “Ở điểm trường này đã có biết bao giáo viên đến dạy rồi hết năm lại đi, chỉ đến năm học này cô Công, cô Tuyền, cô Len mới xắn tay, bỏ công, bỏ sức ra làm. Tôi thực sự cảm kích trước tấm lòng vì học trò của các cô”.
Nguyễn Giang