Theo đó, thời gian tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023 từ ngày 13-11 đến 19-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) và một số địa phương trong tỉnh.
Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai bao gồm các sự kiện, hoạt động chủ yếu như: lễ khai mạc (kết hợp trong chương trình khai mạc Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai mở rộng năm 2023) diễn ra vào tối 13-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết; lễ bế mạc diễn ra ngày 19-11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.
Trong đó, Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai mở rộng năm 2023 diễn ra trong 2 ngày (13 và 14-11) sẽ có sự tham gia của các tỉnh: Kon Tum, Lâm Đồng, Đak Lak, Đak Nông và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ngoài ra, trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch còn có Hội chợ thương mại và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 15 đến 19-11) tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (khu vực đường Anh Hùng Núp) với 200-250 gian hàng tiêu chuẩn trưng bày, triển lãm, giới thiệu các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa, nông nghiệp đặc trưng, ẩm thực, du lịch, tổng hợp…
Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai mở rộng năm 2023 diễn ra trong 2 ngày (13 và 14-11). Ảnh: Phương Vi |
Về hoạt động hưởng ứng của các địa phương bao gồm: Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2023 dự kiến diễn ra trong 1 tuần, trọng điểm trong 3 ngày (từ ngày 17 đến 19-11) tại làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya) và một số địa điểm khác trên địa bàn xã Chư Đang Ya và xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Păh); Giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023-Giấc mơ đại ngàn” kết hợp tổ chức Tuần Văn hóa-Du lịch TP. Pleiku diễn ra từ ngày 17 đến 19-11 tại Khu di tích thắng cảnh Biển Hồ và đường Anh Hùng Núp (TP. Pleiku); Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô lần thứ IV và Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai năm 2023 diễn ra từ ngày 16 đến 18-11 tại làng Dăng, xã Ia O.
Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023 nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch của tỉnh, đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nằm trong Chương trình hành động phục hồi, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tuân thủ các nội dung đã cam kết giữa Việt Nam với UNESCO cũng như các tổ chức thế giới về văn hóa, giáo dục khác.
Tuần Văn hóa-Du lịch gắn với lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng-Gò Đá và công bố bảo vật quốc gia Sưu tập công cụ sơ kỳ Đá cũ An Khê nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, các chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, chỉ số cạnh tranh PCI, môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động hợp tác, đầu tư vào tỉnh; tiếp tục quảng bá các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh được hình thành qua quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tạo điều kiện để giới thiệu hình ảnh Gia Lai đến bạn bè trong nước và quốc tế, mở rộng cơ hội đón nhận đầu tư, liên kết các tỉnh Tây Nguyên phát triển vùng đảm bảo về an ninh chính trị, phát triển kinh tế-xã hội.