Người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trangTổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 6-2 đăng video và hướng dẫn về đối tượng cần đeo khẩu trang cũng như cách đeo và tháo khẩu trang đúng cách.
Tổ chức Y tế thế giới khẳng định người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang - Ảnh: REUTERS |
Theo đó, đeo khẩu trang chỉ có hiệu quả khi được sử dụng kết hợp với thường xuyên rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng và nước.
Nếu bạn khỏe mạnh, bạn không cần phải đeo khẩu trang vì không có bằng chứng nào về hiệu quả bảo vệ của khẩu trang ở những người không có bệnh.
Người khỏe mạnh chỉ cần đeo khẩu trang nếu đang chăm sóc một bệnh nhân nghi nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCoV) và ở chung phòng với bệnh nhân.
Nếu bị ho, sốt, hắt hơi hoặc khó thở, cần đeo khẩu trang và đi khám.
Nếu bạn đeo khẩu trang, bạn phải biết cách đeo khẩu trang và bỏ khẩu trang đúng cách.
Cách đeo, tháo và vứt bỏ khẩu trang:
Trước khi đeo khẩu trang: rửa tay với dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng và nước.
Khẩu trang phải che kín mũi và miệng và cần đảm bảo không có khoảng cách giữa mặt bạn và khẩu trang.
Tránh chạm tay vào khẩu trang đang đeo, muốn chạm vào thì hãy rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng và nước.
Thay khẩu trang mới ngay khi chiếc khẩu trang đang dùng bị ẩm và không tái sử dụng khẩu trang dùng 1 lần.
Tháo khẩu trang: Tháo từ phía sau, không chạm vào phía trước của khẩu trang; bỏ khẩu trang ngay vào thùng rác có nắp đậy kín, rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn hoặc xà phòng và nước.
Nhận thư, bưu kiện, ôm chó cưng... có bị lây nhiễm corona?
Khi nào đeo khẩu trang?
Các chuyên gia y tế khuyến cáo để đề phòng dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV, chỉ đeo khẩu trang khi đi ra đường, khi vào bệnh viện chăm sóc người bệnh, khi đến chỗ đông người, người có triệu chứng bệnh.
|
Tổ chức Y tế thế giới cũng khẳng định về một số tin đồn gây hoang mang liên quan đến virus corona, như:
Nhận thư, bưu kiện có bị lây corona?
Theo WHO, việc nhận thư từ, bưu kiện gửi từ Trung Quốc là an toàn.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy virus corona không tồn tại lâu trên các bề mặt như thư và bưu kiện.
Ôm thú cưng có sao không? WHO cho biết đến thời điểm này, chưa có bằng chứng cho thấy các loại thú cưng nuôi ở nhà như mèo chó có thể nhiễm nCoV, mặc dù vậy, chúng ta cần rửa tay với xà phòng và nước sau mỗi lần ôm chúng để bảo vệ chúng ta khỏi những vi khuẩn khác như E.coli và Salmonella.
Tiêm vaccine viêm phổi có ngừa được corona? WHO khẳng định tiêm vaccine (văcxin) chống bệnh viêm phổi không bảo vệ được chúng ta trước nCoV vì đây là chủng virus mới và khác nên cần có vaccine riêng.
Rửa mũi, súc miệng, uống kháng sinh có ngăn được corona? Theo WHO, rửa mũi bằng dung dịch muối loãng, súc miệng bằng nước súc miệng, uống kháng sinh không có tác dụng bảo vệ chúng ta khỏi lây nhiễm nCoV.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nCoV ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và hiện chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus này gây ra.
|
Cách đeo khẩu trang đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế - Đồ họa: N.THÀNH |
Theo HỒNG VÂN (TTO)