Tuổi 50 chớ bao giờ để điều này xảy ra vào ban đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nghiên cứu mới, vừa được công bố trên tạp chí khoa học PLOS One hôm 18.10, cho biết người từ tuổi 50 trở lên nếu ngủ chỉ được 5 tiếng trở xuống mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính lên 30%, theo tờ USA Today.

Bước sang tuổi 50 là một cột mốc quan trọng với nhiều thay đổi tiềm ẩn trong sức khỏe.

Sức khỏe ở độ tuổi này có thể bị tổn thương nhiều hơn. Hệ thống miễn dịch có thể chậm hơn để truy lùng virus và các mối đe dọa bên ngoài khác, WebMD cảnh báo.


 

Người từ tuổi 50 nếu ngủ chỉ được 5 tiếng trở xuống mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính lên 30%. Ảnh: Shutterstock
Người từ tuổi 50 nếu ngủ chỉ được 5 tiếng trở xuống mỗi đêm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính lên 30%. Ảnh: Shutterstock



Và cơ thể không thể tiêu diệt các bệnh nhiễm trùng như trước nữa nên dễ mắc các bệnh như cúm, viêm phổi hoặc uốn ván.

Sức khỏe tim mạch cũng có nguy cơ cao hơn. Một khi bước qua tuổi 50, nguy cơ bị đau tim sẽ tăng lên.

Và một nghiên cứu mới cho biết thói quen ngủ có thể đóng vai trò quan trọng trong nguy cơ mắc bệnh mạn tính ở lứa tuổi này.


Thói quen ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe

Nhiều người ở độ tuổi 50 trở lên không ngủ đủ giấc mỗi đêm.

Giấc ngủ ngon bao gồm hai thành phần chính; thời lượng và chất lượng. Cơ thể trải qua quá trình sửa chữa chuyên sâu trong thời gian ngủ. Tuy nhiên, khi giấc ngủ bị cắt ngắn, quá trình tái tạo sẽ bị gián đoạn đáng kể. Theo phát hiện khoa học mới, chỉ ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có thể khiến cơ thể mắc bệnh.

Nghiên cứu đã phát hiện điều gì?

Nghiên cứu do Đại học University College London (UCL) (Anh) thực hiện, đã xem xét thời lượng ngủ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của khoảng 8.000 người không mắc bệnh mạn tính ở tuổi 50 trong suốt 25 năm. Trong khoảng thời gian đó, những người tham gia đã báo cáo thời lượng ngủ mỗi đêm của mình sau mỗi 4-5 năm để theo dõi.

Kết quả cho thấy đối với những người trên 50 tuổi, ngủ từ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính, theo USA Today.

Cụ thể, đối với người tuổi 50, những người ngủ từ 5 tiếng trở xuống mỗi đêm có nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính cao hơn 30% so với những người ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi đêm.

Ở tuổi 60, nguy cơ tăng 32%, và ở tuổi 70, nguy cơ cao hơn 40%, theo trang tin Best Life.

Các bệnh mạn tính được theo dõi trong nghiên cứu bao gồm: tiểu đường, ung thư, bệnh mạch vành, đột quỵ, suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận mạn tính, bệnh gan, trầm cảm, sa sút trí tuệ, rối loạn tâm thần, Parkinson và viêm khớp.

 

Cơ thể trải qua quá trình sửa chữa chuyên sâu trong thời gian ngủ. Ảnh: Shutterstock
Cơ thể trải qua quá trình sửa chữa chuyên sâu trong thời gian ngủ. Ảnh: Shutterstock


Tác giả chính, tiến sĩ Severine Sabia, nhà nghiên cứu tại Viện Dịch tễ học và Sức khỏe của Đại học UCL, cho biết: “Khi mọi người già đi, thói quen ngủ và cấu trúc giấc ngủ sẽ thay đổi”.

Các tác giả viết: Thời gian ngủ ngắn ở tuổi trung niên và tuổi già dẫn đến nguy cơ cao hơn khởi phát bệnh mạn tính và mắc cùng lúc nhiều bệnh.

Tiến sĩ Sabia cho biết: Vì những lý do này, điều quan trọng là phải cố gắng để có giấc ngủ ngon, ngay cả khi già đi, bằng cách giảm lượng caffeine, duy trì lịch trình ngủ cố định và thử các kỹ thuật thư giãn. Bạn nên ngủ từ 7 - 8 giờ mỗi đêm - vì thời lượng ngủ trên hoặc dưới mức này đã được chứng minh là dẫn đến các bệnh mạn tính, theo USA Today.

Đừng bao giờ coi thường giấc ngủ, vì nó rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể và hạnh phúc.

Theo Thiên Lan (TNO)

Có thể bạn quan tâm