TN - Đất & Người

Tổ hợp nhà máy Alumin Tân Rai có nguy cơ dừng hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Nhôm Lâm Đồng, đất dành cho khai thác quặng bauxite đang là vấn đề cấp bách, nếu không có thêm quỹ đất nguy cơ Tổ hợp Alumin Tân Rai phải dừng hoạt động trong 10/2023.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc một số khó khăn, vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ khai thác quặng bauxite.

Theo lãnh đạo công ty, đất dành cho khai thác quặng bauxite đang là vấn đề cấp bách, nếu không có thêm quỹ đất nguy cơ Tổ hợp Nhà máy Alumin Tân Rai phải dừng hoạt động trong tháng 10/2023.

Theo văn bản số 2179/LDA-KTCN của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng-TKV thì trong giai đoạn 2020- 2024, công ty và các đơn vị thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng 320ha từ năm 2019 để khai thác quặng bauxite. Đến nay đã có quyết định thu hồi 248,8ha, chiếm 78% diện tích được giao. Còn lại 71,2ha chưa đền bù giải phóng mặt bằng; trong đó có trên 30 ha do 2 công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến và Trách nhiệm hữu hạn Giống Vĩnh Lộc quản lý; 13,43ha là đất rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đam B’ri quản lý. Còn lại là đất của các hộ gia đình.

Đối với diện tích đất thu hồi của 2 Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vĩnh Tiến và Trách nhiệm hữu hạn Giống Vĩnh Lộc, trong thời gian qua Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm xử lý. Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm đã nhiều lần họp định kỳ kiểm điểm việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng 2 công ty này không cử đại diện đến tham dự.

Ủy ban Nhân dân xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm) là nơi có diện tích đất đang tranh chấp của 2 công ty cũng đã 4 lần tổ chức cuộc họp nhưng 2 công ty cũng không cử đại diện tham dự nên không tìm ra hướng giải quyết. Sau 5 năm tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, tiến độ thu hồi đất của 2 công ty này chưa có gì tiến triển thêm.

Theo kiểm kê, nguyên nhân không thu hồi được diện tích đất đã giao cho 2 công ty này là do trong hơn 30ha đó, có 7,3 ha đang tranh chấp giữa 25 hộ dân và 2 đơn vị này. Còn phần diện tích trên 23ha, 2 công ty này đã trồng, canh tác cây càphê và một số loại cây khác.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV, đây là quỹ đất dành cho khai thác quặng bauxite vào các tháng cuối năm 2023 và là hướng tuyến quy hoạch khai thác cho các năm tiếp theo, đề nghị tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi diện tích đất này.

Ngoài ra, trong số 21 hộ có đất nằm trên diện tích cần thu hồi đã được Ủy ban Nhân dân huyện Bảo Lâm phê duyệt phương án bồi thường, vẫn còn 7 hộ với diện tích 3,5ha chưa đồng ý nhận số tiền bồi thường trên 3,6 tỷ đồng để di rời giải phóng mặt bằng.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV, đây là diện tích đất bắt buộc phải huy động để khai thác quặng bauxite vào các tháng cuối năm 2023. Đối với diện tích đền bù giải phóng mặt bằng 5 năm giai đoạn 3, đến nay Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV đã hoàn thành họp dân thông báo chủ trương thu hồi đất, các đơn vị tư vấn đã thực hiện kiểm kê hiện trạng diện tích 20ha. Theo kế hoạch, kể từ tháng 11/2023 công ty phải có tối thiểu diện tích 30ha để đưa vào khai thác ngay sau khi quỹ đất của giai đoạn 2 không còn.

Được thành lập từ tháng 10/2010, đến tháng 9/2012, tổ hợp nhà máy Alumin Tân Rai (huyện Bảo Lâm- Lâm Đồng) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nhôm Lâm Đồng - TKV bắt đầu chạy thử và đi vào hoạt động, 1 năm sau mới chính thức vận hành thương mại. Qua 10 năm vận hành thương mại, công xuất của nhà máy tăng dần từ 75%, tới nay đã vượt công xuất thiết kế, đến năm 2022 đạt sản lượng sản xuất 735.200 tấn Alumin quy đổi.

Mỗi năm Dự án Bauxitee Tân Rai của công ty đóng góp ngân sách nhà nước từ 300-500 tỷ đồng, bằng trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp và gần 40% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, công ty đã tạo công ăn việc làm cho trên 1.300 viên chức và người lao động; trong đó, chủ yếu là người địa phương và con em các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Năm 2023, công ty đặt ra mục tiêu sản xuất 650.000 tấn Alumin quy đổi, tổng doanh thu toàn công ty đạt 3.377 tỷ đồng với mức tiền lương lao động 12,2 triệu đồng/tháng cho 1.354 lao động toàn công ty.

Có thể bạn quan tâm