Xã hội

Tổ khuyến nông cộng đồng hỗ trợ nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mới đây, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các doanh nghiệp thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng. Việc đưa Tổ khuyến nông cộng đồng vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng của bà con nông dân, mở ra hướng sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị.
Ông Lê Văn Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông-cho biết: “Tổ khuyến nông cộng đồng gồm 17 thành viên, trong đó có 2 kỹ sư trồng trọt, 1 thạc sĩ hóa học, 1 thạc sĩ quản lý tài nguyên và môi trường, 2 quản lý vùng nguyên liệu. Bước đầu, Tổ liên kết với các hộ dân triển khai thí điểm mô hình trồng giống chanh dây ngọt do Công ty cổ phần Nafoods Group cung cấp với diện tích khoảng 50 ha; hướng dẫn người dân canh tác theo hướng hữu cơ, hình thành chuỗi liên kết sản xuất đảm bảo cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó, quy hoạch vùng nguyên liệu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Trung Quốc. Ngoài ra, Công ty cổ phần Phân bón Panda và Công ty TNHH ACVN liên kết cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ dân tham gia mô hình”.
Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng tại lễ ra mắt. Ảnh: Phạm Sang
Các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng tại lễ ra mắt. Ảnh: Phạm Sang
Cũng theo ông Thanh, HTX liên kết với khoảng 300 hộ dân ở các xã: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Hòa Phú và thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) và Ia Yok, Ia Bă (huyện Ia Grai) canh tác 320 ha chanh dây. Tổ khuyến nông cộng đồng của HTX có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới thông tin truyền thông khuyến nông để tư vấn, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận phản hồi từ thực tế sản xuất. Đồng thời, mở các lớp tập huấn, phổ biến quy trình kỹ thuật sản xuất, bồi dưỡng kiến thức về chính sách, pháp luật, thị trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; tư vấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ từ các mô hình sản xuất tiên tiến ra diện rộng; cung cấp giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và các dịch vụ khác phù hợp với quy định của pháp luật...
Tham gia mô hình trồng chanh dây ngọt, ông Nguyễn Văn Bích (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) cho hay: “Trước đây, tôi trồng chanh dây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng không ổn định. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá cả lại bấp bênh. Khi HTX thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng, tôi đăng ký tham gia trồng 2 ha chanh dây ngọt. Tôi được các thành viên trong Tổ tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc vườn cây an toàn, dần chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý”.
Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Nafoods Group. Ảnh: Sang Phương
Vườn ươm giống chanh dây của Công ty cổ phần Nafoods Group. Ảnh: Sang Phương
Nói về việc hỗ trợ các hộ dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất chanh dây, ông Nguyễn Tiến Dũng-Giám đốc Khối quản lý và phát triển vùng trồng (Công ty cổ phần Nafoods Group) cho hay: Công ty đã cử 2 cán bộ tham gia Tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ kỹ thuật cho bà con từ khâu làm đất, lắp đặt hệ thống tưới, xuống giống đến khi thu hoạch nhằm đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất. Để có vùng nguyên liệu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Công ty cũng đã liên kết với 19 tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh canh tác gần 700 ha chanh dây. Với việc liên kết này, chúng tôi hy vọng trong thời gian không xa, sản phẩm chanh dây Gia Lai sẽ có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Trao đổi với P.V, ông Võ Văn Tấn-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh-cho biết: Việc thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng nhằm tăng cường công tác khuyến nông cơ sở. Trong đó, tập trung chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hỗ trợ thông tin thị trường, liên kết sản xuất, đa dạng hóa chức năng và phương thức hoạt động khuyến nông. Đồng thời, lấy tổ hợp tác, hộ sản xuất giỏi, điển hình làm nền tảng để hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp của địa phương. “Thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tham mưu giúp UBND huyện ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện để các HTX phối hợp với doanh nghiệp thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, liên kết hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn xây dựng thương hiệu nông sản, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Hy vọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật từ Tổ khuyến nông cộng đồng sẽ giúp người dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập”-ông Tấn kỳ vọng.
SANG PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm