(GLO)- Sáng 21-9, tại TP. Quảng Ngãi, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi tổ chức tọa đàm Nhà báo với mạng xã hội các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Sau một năm rưỡi thực hiện Luật Báo chí 2016 và 10 Điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Hội viên, nhà báo được quán triệt nội dung Luật Báo chí và yêu cầu của Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động của các cấp Hội, hội viên-nhà báo có bước chuyển biến căn bản, tình hình vi phạm Luật và đạo đức của hội viên-nhà báo giảm nhiều.
Quang cảnh buổi tọa đảm. Ảnh: Q.T |
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của hội viên còn không ít tồn tại, hạn chế, trong đó có những mặt hết sức gay gắt. Một trong những vấn đề nổi bật là giải quyết mối quan hệ giữa mạng xã hội và nhà báo khi tham gia vào mạng xã hội.
Hiện nay mạng xã hội thật sự đã trở thành yếu tố quan trọng trong việc thu hút sự tương tác số người sử dụng cũng như trở thành nguồn tin quan trọng cho báo chí. Nhiều cơ quan báo chí, đặc biệt là Báo Điện tử đã sử dụng mạng xã hội và trang Fanpage để tăng cường tương tác giữa tòa soạn và bạn đọc, là công cụ quan trong để tạo hiệu ứng truyền thông, là kênh quảng bá hữu hiệu cho hoạt động báo chí. Đồng thời, các phóng viên, các nhà báo đã sử dụng mạng xã hội như facebook để chia sẻ thông tin lẫn nhau và là nguồn cung cấp thông tin, bài viết, hình ảnh cho độc giả và cũng là nguồn cung cấp chủ đề quản lý để thu hút bạn đọc một cách nhanh nhất.
Đại biểu Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Gia Lai phát biểu tham luận tại buổi toạ đàm. Ảnh: Q.T |
Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội cũng có những mặt hạn chế gây tác hại không nhỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí, đặc biệt, đối với những tờ báo gánh vác nhiệm vụ chính trị, định hướng người đọc. Do đó, chuẩn mực và trách nhiệm của những người làm báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác như thế nào? Yêu cầu cụ thể của chuẩn mực và thông tin có trách nhiệm là gì trong điều kiện hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề như việc xử lý thông tin trên mạng xã hội; chuẩn mực và trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác; người làm báo cần làm gì khi tiếp cận, xử lý, sử dụng thông tin trên mạng xã hội để sản xuất các tác phẩm báo chí có tính định hướng; việc sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin, tin, bài… sai sự thật gây hoang mang trong dư luận. Đồng thời, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, giải pháp cũng như kinh nghiệm nhằm quản lý, sử dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, không vi phạm các quy định của pháp luật…
Quang Tấn