Thời sự - Bình luận

Tôi phát hoảng khi thấy mình cũng hóng hớt, 'còm dạo' trên mạng xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Sợ bị bạn bè coi là "người tối cổ" và để xả stress, tôi cũng mất hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày lướt mạng hóng hớt scandal, "còm dạo" về những chủ đề linh tinh.
Với nhiều người, đáng sợ nhất là trở thành “người tối cổ” trên không gian mạng. (Ảnh: Career Trend)

Với nhiều người, đáng sợ nhất là trở thành “người tối cổ” trên không gian mạng. (Ảnh: Career Trend)

Đọc các bài viết mới đây về tính thích hóng hớt và bàn tán chuyện tào lao trên mạng mà VTC News đăng tải, tôi giật mình, phát hoảng nhận ra bản thân trong đó. Quả thật, dù rất bận nhưng để đỡ stress và thoát khỏi sức nặng công việc trong giây lát, tôi cũng lướt xem các clip nhạt nhẽo, “còm dạo” dưới những dòng trạng thái kiểu “Ai tên H. mời giơ tay”.

Và thú thật, tôi lướt mạng còn để theo kịp những người xung quanh khi họ trao đổi về sự việc đang gây sốt, dù là chuyện rất “trời ơi đất hỡi”. Ngồi cạnh những người “thuộc giới thạo tin” - biết tuốt những ầm ĩ, lùm xùm trên các nền tảng mạng xã hội, bạn sẽ lạc hậu, sẽ thành “người ở cung trăng xuống” nếu hoàn toàn ngáo ngơ trước những vụ việc đang gây ồn ào, như ai đó nổi tiếng bị bóc phốt chẳng hạn.

Dù tôi không đắm chìm, sa đà vào đó, việc tranh thủ lướt ngón tay trên màn hình điện thoại nhằm "nắm bắt hơi thở mạng xã hội” lúc ăn trưa, lúc chờ đối tác hay trong giờ nghỉ cũng lấy mất của tôi hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày.

Nhưng đáng lo ngại nhất là những người bị thao túng, bị dắt mũi bởi cái gọi là “hot trend” trên Youtube, TikTok, Facebook, phần lớn là những người trẻ. Hễ trên các nền tảng đó đang rộ lên xu hướng gì là họ phải “đu” theo bằng được một cách máy móc, hoàn toàn là sự bắt chước để không “lỡ trend, như chụp bộ ảnh theo mẫu, quay clip nhái hoàn toàn “bản gốc” của người khơi mào xu hướng, hay tham gia game nào đó đang “sốt”…

Để không thành kẻ lạc lõng đứng ngoài dòng chảy thời thượng, các bạn trẻ này đầu tư rất nhiều thời gian và cả tiền bạc, thậm chí chấp nhận hậu quả của việc không đạt KPI trong công việc, học hành.

Cô em họ sinh năm 1997 của tôi từng bị công ty trừ lương, hủy thưởng vì khiến dự án chậm tiến độ, nguyên do là em quá mải mê quay các clip hưởng ứng “trend biến hình” trên TikTok. Khi một video bỗng nhiên “sốt”, nó sẽ bị cư dân mạng, trong đó có em tôi, đua nhau “nhái” lại bằng cách bắt chước nguyên mẫu từ cách trang điểm, tạo hình đến từng động tác, câu nói, quay clip đăng lên mạng, tạo thành cuộc đua vô nghĩa của những bản sao.

Để “biến hình”, em tôi phải bỏ tiền mua đạo cụ, phục trang, bỏ công tập tành, rồi mất cả buổi hóa trang, quay đi quay lại cho đến khi ưng ý. Nhiều lần, cô ấy còn bắt tôi nhờ mấy người bạn “có nghề” hỗ trợ làm kịch bản, quay và dựng sao cho chuyên nghiệp. Em tiết lộ: “Nhiều đứa bạn em không có ai để nhờ, phải đi thuê, tốn tiền lắm đấy”.

Xem hàng trăm clip “đúc cùng một khuôn”, tôi thắc mắc không hiểu những sản phẩm gây tốn kém (ít nhất là thời gian, công sức) này có lợi ích gì, tại sao rất nhiều clip nhạt nhẽo, vô vị lại vẫn kéo hàng nghìn người nhái theo. Cô em họ chia sẻ cảm giác của bản thân, rằng khi lỡ một trend sẽ “có cảm giác như bị văng ra khỏi hệ thống, tuổi trẻ không ai muốn mình lạc hậu cả”.

Đó là lý do cô ấy thà bị trừ KPI và chịu phạt ở công ty còn hơn nằm ngoài cuộc đua với các TikToker khác. “Không sợ sếp chê làm việc yếu kém, chỉ sợ thành ‘người tối cổ’ trên mạng xã hội”, cô đùa, nhưng câu đùa có nhiều phần thật.

Mải mê chạy đua để luôn là người hợp xu hướng trên mạng - thứ thay đổi còn nhanh hơn lật bánh tráng, nhiều người trẻ không kịp suy nghĩ, làm vậy có ích gì, đem lại gì cho bản thân và xã hội. Họ cũng không kịp nhận ra rằng, ngày ngày hóng và đu trend mới, con người mình đang hời hợt và nông cạn dần đi.

Có thể bạn quan tâm