Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Tôn trọng đa dạng văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Vài ngày trở lại đây, khi một trang mạng xã hội đăng tải video clip về lễ hội Mừng lúa mới ở huyện Kbang, dư luận đã có những tranh luận trái chiều về tín ngưỡng phồn thực của dân tộc Bahnar thể hiện qua phần trình diễn cồng chiêng.

Dẫn đầu đội cồng chiêng là 2 nhân vật khá đặc biệt. Họ là những pơtual (múa hề), có vai trò làm tăng không khí hân hoan, phấn khích cho lễ hội, mừng một mùa vụ ấm no. Đây được xem là nét văn hóa đặc sắc trong các lễ hội của đồng bào Bahnar, Jrai tại Gia Lai. Trong clip, người đàn ông mình trát đất sét, đeo một vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đi cạnh một phụ nữ hóa trang với cái bụng bầu. Cả hai nhảy múa, biểu diễn hết sức vui nhộn và sinh động. Theo sau là đội cồng chiêng, múa xoang với màn diễn tấu thu hút, đẹp mắt.

 Hai pơtual dẫn đầu đội cồng chiêng trong clip gây tranh cãi. Ảnh cắt từ clip
Hai pơtual dẫn đầu đội cồng chiêng trong clip gây tranh cãi. Ảnh cắt từ clip


Nhưng ngay sau khi clip được đăng tải rộng rãi, đây cũng là 2 nhân vật bị “ném đá” nhiều nhất. “Nhí nhố”, “bát nháo”, “phản cảm”… là phản ứng của cư dân mạng về phần trình diễn, nhất là của pơtual nam. Một số người còn để lại những bình luận khiếm nhã. Họ cho rằng đã bị “sốc văn hóa” khi xem clip trên; thậm chí một anh hùng bàn phím mạnh miệng hô hào: “Cần dẹp ngay!”. Một số người am hiểu về văn hóa Tây Nguyên vào chia sẻ quan điểm nhưng lập tức bị lấn át bởi số đông kịch liệt phản đối.

Khi chúng tôi liên hệ với anh Đinh Mỡi-cán bộ quản lý Nhà lưu niệm Anh hùng Núp (xã Tơ Tung, huyện Kbang), anh xác nhận, mình chính là người đã quay clip này và đăng tải trên trang Facebook cá nhân cách đây khá lâu với mong muốn quảng bá văn hóa của cộng đồng. “Đây là nét đẹp văn hóa của dân tộc Bahnar. Khi có lễ hội thì người già, người trẻ cùng bàn bạc, thống nhất sẽ tổ chức như thế nào theo đúng truyền thống”-anh Đinh Mỡi cho hay. Song ở ngay thời điểm đó, anh đã nhận được một số phản ứng trái chiều. Trong số này có tin nhắn bức xúc của một người quen: “Em à, em nghĩ sau này con cháu mình xem cái clip thì sẽ nghĩ gì?” (!?). Và gần đây, khi một trang mạng xã hội lấy lại clip để đăng tải thì số người phản ứng tiêu cực càng “hùng hậu”.

Trên thực tế, tín ngưỡng phồn thực không hề xa lạ trong văn hóa của cư dân nông nghiệp khu vực Đông Nam Á. Theo Wikipedia, trong kho tàng văn hóa dân gian, tín ngưỡng phồn thực mang ý nghĩa thiêng liêng. “Phồn” nghĩa là nhiều, “thực” là biểu hiện cho sự sinh sôi, nảy nở của vạn vật. Quan niệm về tín ngưỡng phồn thực thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và phát triển giống nòi. Tín ngưỡng phồn thực ở Việt Nam được thể hiện ở 2 dạng: thờ sinh thực khí nam, nữ và thờ hành vi giao phối. Ở nước ta hiện vẫn duy trì nhiều lễ hội phồn thực như: Linh tinh tình phộc (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ); Ná Nhèm (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn); Ông Đùng bà Đà (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với các hoạt động như rước lễ vật mô phỏng sinh thực khí nam, nữ; cầm nõ-nường đâm vào nhau tượng trưng cho hành vi giao phối; thực hiện những điệu múa mang đậm chất văn hóa dân gian nhằm cầu mong sự sinh sôi, thịnh vượng…

Đặc biệt, trên nắp thạp đồng Đào Thịnh (tìm được ở xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, hiện là 1 trong 16 bảo vật quốc gia được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ) có hình tượng 4 cặp tượng nam nữ trong tư thế giao hoan. Đây là biểu tượng ước vọng sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp lúa nước từ thuở xa xưa. Tại nhiều phế tích Chăm ở nước ta, hình tượng linga, yoni (tượng trưng cho sinh thực khí nam, nữ) cũng rất phổ biến. Theo quan niệm của người Chăm, linga và yoni chính là 2 mặt âm-dương của vũ trụ, thể hiện sự sinh tồn của loài người và là nguồn gốc của mọi sự sáng tạo.

Tượng người giao hoan (bìa trái), một tác phẩm của nghệ nhân lớp tập huấn tạc tượng tổ chức vào tháng 5-2022 tại TP. Pleiku. Ảnh: Phương Duyên
Tượng người giao hoan (bìa trái), một tác phẩm của nghệ nhân lớp tập huấn tạc tượng tổ chức vào tháng 5-2022 tại TP. Pleiku. Ảnh: Phương Duyên


Chính vì vậy, tín ngưỡng phồn thực thể hiện qua hoạt động lễ hội ở Tây Nguyên là điều hết sức bình thường. Tại nhiều khu nhà mồ, trong nhóm tượng người với các sinh hoạt đời thường luôn có tượng cặp nam nữ giao hoan. Gần đây nhất, tháng 5-2022, tại lớp bồi dưỡng kỹ năng tạc tượng trong khuôn khổ dự án “Phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai tại Gia Lai” (do Hội đồng Anh phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam xét duyệt, ký kết hợp đồng tài trợ) tổ chức tại TP. Pleiku, các nghệ nhân trong tỉnh cũng đẽo khá nhiều mẫu tượng này. Cho nên, là văn hóa truyền đời, là triết lý sâu xa của cư dân bản địa, thì rất cần tiếp nhận bằng cái nhìn tôn trọng, hiểu biết, tránh áp đặt vô lối.

Còn nhớ, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào tháng 11-2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo về tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc trước những thời cơ và thách thức mới. Trong những nhiệm vụ trọng tâm đề ra, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần “phát huy vai trò chủ thể sáng tạo, chủ thể thụ hưởng văn hóa là Nhân dân; tôn trọng và bảo vệ sự biểu đạt đa dạng của văn hóa, của người dân, các dân tộc, các vùng, miền…”. Chỉ khi sự biểu đạt đa dạng của văn hóa được tôn trọng và bảo vệ, con người mới giữ được gốc rễ và vốn quý văn hóa của ông cha để tự hào đi lên, vươn tới, tạo ra những giá trị khác biệt. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần được trang bị/tự trang bị phông văn hóa nhất định và một tư duy “mở” để vừa biết yêu quý văn hóa của dân tộc mình, vừa biết tôn trọng sự khác biệt văn hóa của dân tộc khác. Việc gì chưa rõ xin hãy khoan vội vàng phán xét.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

 

 

Có thể bạn quan tâm