Việc phát hành cổ phiếu đã hoàn tất từ cuối năm 2014, mọi khó khăn về tài chính của Công ty CP Giống Lương Mỹ (Cty Lương Mỹ) đã được giải quyết và việc tăng vốn điều lệ cũng đã được Cty mẹ là Vilico và Bộ NN&PTNT chấp thuận, phê duyệt. Vilico chỉ còn 36% cổ phần Nhà nước, đồng thời ra quyết định cử người làm đại diện phần vốn tại Cty Lương Mỹ. Tuy nhiên tháng 01/2018, Vilico lại đâm đơn khởi kiện Cty Lương Mỹ “con đẻ” của mình và yêu cầu toà án khôi phục 51% vốn điều lệ tại Cty Lương Mỹ, khiến người trong cuộc và dư luận bức xúc...
Cty Lương Mỹ cho rằng có nguy cơ phá sản vì bị Vilico kiện cáo vô lý?
Tăng vốn điều lệ đã được thông qua…
Năm 2007, Cty Lương Mỹ tăng vốn điều lệ từ 14,500.000.000đ lên hơn 25 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Vilico sở hữu 1.257.120 cổ phần (tương ứng 12.571.200.000đ), chiếm tỉ lệ 51% vốn điều lệ. Năm 2014, Cty Lương Mỹ rơi vào tình trạng rất khó khăn về tài chính, thiếu vốn hoạt động, công nợ chồng chất. Để cứu Cty, HĐQT đã tổ chức đại hội cổ đông đề xuất chủ trương phát hành 3.000.000 cổ phần tăng vốn điều lệ (mệnh giá 10.000/CP), nhằm mục đích đối trừ công nợ và bán cho nhà đầu tư chiến lược. Như vậy, sau khi phát hành, vốn điều lệ của Cty Lương Mỹ sẽ là 55.001.800.000đ.
Chủ trương này đã được Vilico báo cáo Bộ NN&PTNT tại Văn bản số 180 ngày 03/07/2014 cho phép Vilico giảm tỷ lệ vốn góp tại Cty Lương Mỹ dưới 50%, tối thiểu 36%. Tỷ lệ sở hữu vốn cụ thể của Vilico sẽ phụ thuộc vào phương án tăng vốn điều lệ của Cty Lương Mỹ và được Bộ NN&PTNT chấp thuận tại Văn bản số 5916/BNN-QLDN ngày 28/07/2014 với nội dung: “Chấp thuận đề nghị của Tổ đại diện vốn Nhà nước tại Vilico về việc mua thêm cổ phần (vừa đủ 36% vốn điều lệ) tại Cty Lương Mỹ khi Cty này phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ...”.
Để hoàn tất quy trình tăng vốn điều lệ, Ban lãnh đạo Cty Lương Mỹ đã có văn bản xin ý kiến lãnh đạo Vilico và các cổ đông khác về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (đã được thông qua tại kỳ đại hội cổ đông trước đó). Ngày 11/08/2014, ông Đào Duy Linh – Chủ tịch HĐQT Vilico đã ký Văn bản số 226 “Chấp thuận để người đại diện vốn tại Cty Lương Mỹ ghi ý kiến bằng văn bản”. Theo đó, 98,6% cổ đông sở hữu cổ phần đã nhất trí thông qua việc tăng vốn điều lệ.
Được biết trong thời gian này, Vilico đã mua thêm 704.980 cổ phần và tổng số cổ phần mà Vilico sở hữu sau khi tăng vốn là 1.980.000 cổ phần, tương ứng 36% vốn điều lệ của Cty Lương Mỹ. Nhà đầu tư chiến lược là Cty CP ĐTK nắm giữ 2.853.440 cổ phần, tương ứng 51% vốn điều lệ của Cty Lương Mỹ.
Tại Quyết định số 59 và Thông báo số 277 cùng đề ngày 01/10/2014 của Vilico gửi Cty Lương Mỹ cử ông Trần Đình Nghi - Trưởng phòng TCCB Vilico làm Tổ trưởng Tổ đại diện vốn quản lý 1.188.000 cổ phần, tương ứng 60% vốn của Vilico; cử ông Uông Xuân Thuỷ - Thành viên HĐQT Cty Lương Mỹ quản lý 594.999 cổ phần, tương ứng 30%; cử ông Lê Nhân Đức – Kế toán trưởng Vilico quản lý 198.000 cổ phần, tương ứng 10% vốn của Vilico.
Với quyết định này, phía Vilico không chỉ đồng thuận trong việc tăng vốn điều lệ của Cty Lương Mỹ mà còn khẳng định Cty này chỉ nắm giữ 36% vốn điều lệ tại Cty Lương Mỹ. Cũng kể từ đây, mọi hoạt động trong SXKD của Cty Lương Mỹ được diễn ra thuận lợi, khó khăn về tài chính đã được khắc phục, tất cả các cổ đông không có bất kỳ ý kiến hay khiếu nại nào về việc tăng vốn điều lệ.
Sau khi tăng vốn điều lệ lên thành 55.001.880.000 đồng, số cổ đông của Cty Lương Mỹ chỉ còn 78 người. Theo quy định, ngày 14/04/2015, Cty Lương Mỹ đã có Văn bản số 16 gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xin rút khỏi danh sách Cty đại chúng (do số lượng cổ đông dưới 100 người) và được chấp thuận huỷ đăng ký Cty đại chúng từ ngày 01/01/2016.
... nhưng vẫn khởi kiện?
Cuối năm 2016, một bất ngờ đã xảy ra khi Cty Lương Mỹ thực hiện quyền thay đổi Giấy phép kinh doanh do việc tăng vốn điều lệ tại Sở KH&ĐT TP.Hà Nội. Từ đây, Vilico tìm mọi cách, thậm chí có văn bản gửi Sở này nhằm mục đích ngăn chặn việc điều chỉnh Giấy phép kinh doanh của Cty Lương Mỹ. Điều khó hiểu nữa là, ngày 22/01/2018, Vilico đã khởi kiện Cty Lương Mỹ ra TAND TP.Hà Nội với các yêu cầu: Xác định vốn điều lệ của Cty Lương Mỹ là 25.001.800.000đ; xác định Vilico nắm giữ 51% vốn điều lệ (là vốn điều lệ và tỷ lệ vốn góp trước thời điểm tăng vốn điều lệ); Điều lệ được đại hội đồng cổ đông thường niên 2015 của Cty Lương Mỹ thông qua là không phù hợp với quy định của pháp luật và thực tế…
Sau khi biết Vilico khởi kiện, lãnh đạo Cty Lương Mỹ đã nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Vilico nhưng đều bất thành. Trong bối cảnh Cty Lương Mỹ đang tiến hành các thủ tục để Đại hội cổ đông nhằm tìm tiếng nói chung giữa các cổ đông và Vilico thì ngày 12/4/2018, Vilico tiếp tục có đơn đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) “Yêu cầu Cty Lương Mỹ tạm dừng triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông năm 2018”. Theo yêu cầu của nguyên đơn, TAND TP.Hà Nội đã ra Quyết định số 142/2018/QĐ-BPKCTT áp dụng BPKCTT buộc Cty Lương Mỹ ngừng ngay việc tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để chờ kết quả giải quyết của Tòa án.
Không chấp nhận, ngày 16/4/2018, Cty Lương Mỹ có đơn khiếu nại Quyết định 142 nói trên. Tuy nhiên, tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 1176/2018/QĐ-GQKN ngày 10/5/2018 của TAND TP.Hà Nội đã không chấp nhận và giữ nguyên quyết định áp dụng BPKCTT theo yêu cầu của nguyên đơn.
Ông Nguyễn Hữu Trang – Tổng Giám đốc Cty Lương Mỹ, cho biết: “Nguyên nhân chính Vilico khởi kiện Cty Lương Mỹ là bởi họ cho rằng việc Cty Lương Mỹ xin ý kiến cổ đông thông qua việc tăng vốn điều lệ bằng văn bản là không đúng quy định. Tuy nhiên, việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản đã được Đại hội cổ đông trước đó đồng thuận. Và, ngày 11/08/2014, chính ông Đào Duy Linh – Chủ tịch HĐQT Vilico đã ký văn bản chấp thuận để người đại diện vốn tại Cty Lương Mỹ ghi ý kiến bằng văn bản. Nguyên nhân nữa là, Vilico căn cứ vào việc trong Giấy phép kinh doanh của Cty Lương Mỹ vẫn chỉ đăng ký vốn điều lệ tại Sở KH&ĐT chỉ là 25.001.800.000đ. Thực tế để xảy ra sự việc này là do chính Vilico cản trở chúng tôi, họ không chỉ ra mặt phản đối mà còn gửi văn bản yêu cầu Sở KH&ĐT TP.Hà Nội dừng việc điều chỉnh Giấy phép kinh doanh cho Cty Lương Mỹ”.
Ông Trang cho biết thêm, do những can thiệp và khiếu kiện của Vilico đã khiến hơn 4 năm qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty Lương Mỹ bị ảnh hưởng nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn. Trong khi quy trình tăng vốn điều lệ được thực hiện theo đúng chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Vilico và theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Vilico còn khởi kiện chính con đẻ của mình. Và không hiểu căn cứ vào đâu mà TAND TP.Hà Nội lại thụ lý và tới đây đưa vụ án ra xét xử…?”.
Có thể nhận thấy, việc Cty Lương Mỹ đã thực hiện các quy trình tăng vốn điều lệ hoàn toàn hợp pháp và theo đúng tinh thần chỉ đạo của Vilico và Bộ NN&PTNN. Việc một số tập thể, cá nhân của Vilico có những hành vi “tiền hậu bất nhất”, cố tình ngăn chặn việc điều chỉnh Giấy phép kinh doanh và kiện cáo Cty Lương Mỹ đã vô tình tạo ra những lệ luỵ không đáng có và đẩy Cty Lương Mỹ ra trước bờ vực phá sản, còn người lao động có nguy cơ mất việc làm. Dư luận tự đặt câu hỏi, có hay không Vilico đang muốn thâu tóm Cty Lương Mỹ?
PV (PLVN)