Kinh tế

Giá cả thị trường

Tổng cục Thống kê: Chỉ số giá bình quân 7 tháng đã tăng 4,12% so với cùng kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
CPI tháng Bảy tăng 0,48% so với tháng Sáu và tăng 1,89% so tháng 12/2023, tăng 4,36% với cùng kỳ năm trước. Theo đó, CPI bình quân bảy tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ, lạm phát cơ bản tăng 2,73%.
Đóng góp trong CPI tháng Bảy, khu vực thành thị tăng 0,43% và khu vực nông thôn tăng 0,52% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Đóng góp trong CPI tháng Bảy, khu vực thành thị tăng 0,43% và khu vực nông thôn tăng 0,52% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

“Giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới cộng thêm nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy tăng 0,48% so với tháng Sáu”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết.

Như vậy, CPI tháng Bảy tăng 1,89% so với tháng 12/2023 và tăng 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, bình quân bảy tháng, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.

10/11 nhóm ngành chính tăng giá

Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, đóng góp trong CPI tháng Bảy, khu vực thành thị tăng 0,43% khu vực nông thôn tăng 0,52% so với cùng kỳ năm trước.

Tính trên cả nước, 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã tăng giá và nhóm bưu chính-viễn thông không đổi so với tháng trước.

Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã tăng 0,26% so với tháng Sáu đồng thời tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm. Trong số đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng 0,31%, tác động tăng 0,07 điểm phần trăm; nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 0,25%, tác động tăng 0,02 điểm phần trăm; tuy nhiên nhóm lương thực giảm nhẹ 0,03%, gần như không tác động đến CPI chung.

Trong nhóm lương thực, chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,27% (gạo tẻ thường giảm 0,27%, gạo tẻ ngon giảm 0,28%, gạo nếp giảm 0,12%). Trên thị trường, giá gạo tẻ thường dao động từ 14.800-18.500 đồng/kg, giá gạo Bắc Hương từ 20.300-23.600 đồng/kg; giá gạo nếp từ 26.900- 40.900 đồng/kg. Ở chiều ngược lại, giá một số mặt hàng lương thực đã nhúc nhích tăng, như khoai tăng 2,63%, ngô tăng 1,68%, bột mỳ và mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền cùng tăng 0,42%, miến tăng 0,32%, bột ngô tăng 0,27%, ngũ cốc ăn liền tăng 0,26%. Bên cạnh đó, giá thực phẩm tăng 0,31%, tập trung vào mặt hàng thịt lợn tăng 0,79% (tính đến ngày 25/7/2024, giá thịt lợn hơi dao động từ 62.000-66.000 đồng/kg).

Trên thị trường vàng và ngoại tệ, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết tính đến ngày 24/7, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.383USD/ounce, tăng 1,49% so với tháng Sáu. Nguyên nhân giá vàng thế giới tăng do các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng Chín, cùng với đó rủi ro xung đột địa chính trị trên thế giới cũng làm tăng nhu cầu trú ẩn an toàn của vàng. Bám sát diễn biến quốc tế, giá vàng trong nước giảm 0,12% so với tháng trước, tăng 18,11% so với tháng 12/2023 và chỉ số giá vàng bình quân bảy tháng đã tăng 24,77%. Bên cạnh đó, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 104,61 điểm, giảm 0,24% so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.463 VND/USD. Cụ thể, chỉ số giá USD tháng Bảy tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 4,22% so với tháng 12/2023 và bình quân bảy tháng tăng 5,85%.

CPI các tháng có xu hướng tăng

Về biến động thị trường từ đầu năm đến nay, bà Nguyễn Thu Oanh chia sẻ chỉ số giá tiêu dùng bình quân bảy tháng tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số giá tiêu dùng các tháng đầu năm nay có xu hướng tăng, giảm đan xen theo quy luật tiêu dùng ở các thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Cụ thể, Tháng Một, CPI tăng 0,31% do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu. Sang tháng Hai, CPI tăng cao nhất 1,04% do là tháng có Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng cao, giá gạo, giá xăng dầu tăng theo giá thế giới. Tuy nhiên, tháng Ba, CPI giảm 0,23% do nhu cầu của người dân giảm sau dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là lương thực, thực phẩm.

Từ tháng Tư đến tháng Bảy, CPI liên tục tăng lần lượt là 0,07%; 0,05%; 0,17% và 0,48% chủ yếu do giá gạo, thịt lợn, xăng dầu, điện sinh hoạt và bảo hiểm y tế tăng.

“Khác với xu hướng của năm 2023, CPI các tháng nửa đầu năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, từ mức 3,37% trong tháng Một lên mức cao nhất 4,44% vào tháng Năm. Sang tháng Sáu, mức tăng CPI còn 4,34% và tháng Bảy tăng 4,37%,” vị đại diện Tổng cục Thống kê cho hay.

Nguyên nhân chủ yếu được bà Nguyễn Thu Oanh chỉ ra là do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng mức học phí và giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo cũng như bảo hiểm y tế tăng theo lương cơ sở. Ngoài ra, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng giá do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Theo đó, lạm phát cơ bản tháng Bảy tăng 0,36% so với tháng Sáu và tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.

“Bình quân 7 tháng, lạm phát cơ bản tăng 2,73% so với cùng kỳ năm 2023 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,12%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI song thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản,” bà Nguyễn Thu Oanh chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm