Xã hội

Tổng Giám đốc VOV đề xuất về Giải báo chí Quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Tại Hội nghị lần 7 Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam (Khóa 10), diễn ra chiều 8-12, tại Hà Nội, các đại biểu đề nghị quy định bắt buộc tất cả các hội viên là phóng viên, cộng tác viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương phải sinh hoạt với Hội nhà báo tại địa bàn mình thường trú.
 

Toàn cảnh hội nghị lần thứ 7 BCH Hội nhà báo Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị lần thứ 7 BCH Hội nhà báo Việt Nam.

Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 của Hội nhà báo Việt Nam cho thấy, năm 2017, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí; Tổ chức thành công Hội Báo toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội; Tổ chức thành công Giải Báo chí Quốc gia lần thứ 11, trao giải vào dịp 21-6 tại Hà Nội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: đối với Giải báo chí Quốc gia nên để cơ cấu như những năm trước, không nên bớt giải của phát thanh, như vậy không hợp lý so với tương quan các loại hình báo chí khác.

Ông Nguyễn Thế Kỷ đề nghị coi trọng chất lượng và nội dung và tính mới của tác phẩm dự giải. Đồng thời đề nghị coi trọng việc chấm giải vòng sơ khảo.

 

Tống Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại Hội nghị.
Tống Giám đốc Đài TNVN phát biểu tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Kỷ nói: “Tôi cho rằng, chấm sơ khảo là nơi sàng lọc rất kỹ, phát hiện bài hay, mới lạ, độc đáo mới chọn được tác phẩm tốt cho chung khảo. Nếu chúng ta cho rằng sơ khảo không quan trọng thì không phải. Tôi cho rằng muốn có chất lượng tốt thì thành viên của Hội đồng sơ khảo phải lựa chọn kỹ, kể cả các địa phương và trung ương, ban ngành để có bộ phận chấm giải tốt. Khi chung khảo dứt khoát không cho biết điểm và thậm chí sau này không cho biết tên của cơ quan báo chí và nhà báo thì chấm mới khách quan được”.

Tại hội nghị, đa số các đại biểu đề nghị tăng cường công tác quản lý hội viên là phóng viên, cộng tác viên cơ quan báo chí thường trú tại địa phương. Đề nghị quy định bắt buộc tất cả các hội viên Hội nhà báo ở các địa phương phải sinh hoạt với Hội nhà báo địa bàn mình thường trú.

Chia sẻ khó khăn trong việc quản lý phóng viên thường trú, ông Hà Minh Đích, Chủ tịch Hội nhà báo tỉnh Quảng Ngãi cho rằng:  “Chúng tôi vất vả về đội ngũ này trong quá trình quản lý báo chí địa phương. Ban tuyên giáo, Sở Thông tin- Truyền thông, Hội nhà báo luôn luôn nhắc nhở nhưng tôi thấy các cơ quan báo chí ở trung ương không quan tâm lắm đến việc này.

Theo điều lệ ghi là phải sinh hoạt tại địa phương, nhưng có nơi sinh hoạt, nơi không sinh hoạt và để xảy ra những bê bối ở địa phương. Phải tăng cường quản lý đội ngũ này, nhưng Hội cũng phải làm cho lãnh đạo cơ quan báo chí trung ương cử phóng viên thường trú tại địa phương phải nhận thức rõ việc này. Ở Quảng Ngãi có tình trạng phóng viên vi phạm ở cơ quan này rồi vẫn sang cơ quan báo chí khác làm”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng: đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo hiện nay đáng báo động, đây là trách nhiệm Hội Nhà báo Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm:  “Nguồn gốc chính là do cơ chế quản lý phóng viên của các tòa soạn có vấn đề. Bởi vì trước đây làm báo cơ quan báo chí có biên chế, có chế độ nhưng hiện các cơ quan báo chí hầu hết tự chủ, dẫn đến tình trạng không ký hợp đồng với phóng viên, chỉ sử dụng cộng tác viên. Từ đó dẫn đến tình trạng cộng tác viên xuống địa phương gây khó dễ, rất mệt mỏi.

Thứ hai là công tác đào tạo bồi dưỡng. Chúng ta xử lý tận gốc đòi hỏi cả hệ thống quản lý nhà nước, cơ quan lãnh đạo và Hội. Nếu giữa kiểm tra của Hội Nhà báo kết hợp với thanh tra của Bộ Thông tin truyền thông tiến hành có đợt trọng điểm, tập trung vào địa bàn thì khi xử lý bên nhà nước thì bên Hội cũng xử lý, tạo cơ chế phối hợp nhịp nhàng”.

 

Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng: Nâng cao đạo đức nghề nghiệp của hội viên là trách nhiệm của Hội nhà báo Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan báo chí và các cấp hội. Để chấn chỉnh hoạt động của phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí ở các địa phương thì các phóng viên thường trú phải có “trách nhiệm” sinh hoạt với các cấp hội ở địa phương.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho rằng: “trách nhiệm” thì không có ràng buộc và không có chế tài để xử lý. Do đó, tất cả phóng viên thường trú là Hội viên Hội nhà báo Việt Nam ở địa phương phải sinh hoạt với nơi mình thường trú. Trường hợp nếu phóng viên, cộng tác viên không sinh hoạt thì Hội Nhà báo không chịu trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi hợp pháp, không cấp thẻ hội viên và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước không công nhận đó là đội ngũ thường trú.

Lại Hoa/VOV

Có thể bạn quan tâm