(GLO)- Ngày 31-7, tại TP. Pleiku, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị tổng kết giai đoạn I (2016-2020) và triển khai hoạt động giai đoạn II (2021-2025) Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn.
Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS); tổ chức nhiều đợt tập huấn liên quan cho cán bộ, giáo viên; đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động nguồn lực để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Hồng Thi |
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, quy mô trường, lớp bậc học mầm non và tiểu học vùng DTTS được duy trì, phát triển. Toàn tỉnh hiện có 263 trường mầm non với 1.042 điểm trường, trong đó 236 trường và 886 điểm trường có trẻ DTTS; 3.026 nhóm/lớp (1.792 nhóm/lớp có trẻ DTTS); 86.534 trẻ ra lớp (36.615 trẻ là người DTTS). Mô hình bán trú được mở rộng đến các điểm trường vùng DTTS, tỷ lệ học 2 buổi/ngày đạt 94,2%; tỷ lệ trẻ ăn bán trú đạt 65,16%. Trong 119 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia có 86 trường thuộc địa bàn vùng DTTS.
Tính đến năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 288 trường có bậc học tiểu học (220 trường tiểu học, 66 trường THCS công lập có bậc học tiểu học) với 166.643 học sinh. Trong đó, 277 trường có học sinh DTTS với 83.564 em; 86 trường có học sinh tiểu học DTTS ở địa bàn xã khó khăn, 72 trường có học sinh DTTS ở địa bàn xã đặc biệt khó khăn và 10 trường phổ thông dân tộc bán trú có cấp tiểu học.
Khen thưởng các tập thể đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án. Ảnh: Hồng Thi |
Phương pháp giáo dục được đổi mới phù hợp, trẻ mầm non được thực hành trải nghiệm nhiều trong giao tiếp để luyện kỹ năng nghe-hiểu-nói và làm quen với các thao tác đọc-viết. Hầu hết giáo viên đã tích cực chủ động tìm hiểu về bản sắc văn hóa các dân tộc, làm giàu phương ngữ, hiểu được phong tục tập quán của từng dân tộc để áp dụng giáo dục phù hợp; đồng thời biết vận dụng các điều kiện sẵn có ở địa phương, tổ chức các trò chơi phù hợp độ tuổi, trò chuyện cùng trẻ; tổ chức các hội thi, các buổi tuyên truyền, tư vấn cho các bậc phụ huynh… Qua đó, kỹ năng sống và giao tiếp của trẻ vùng DTTS ngày càng được cải thiện; trẻ diễn đạt được mong muốn, yêu thích đến trường và sẵn sàng tâm thế để lên lớp 1.
Ngoài ra, 100% học sinh tiểu học người DTTS được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi, năng lực. Mỗi năm học, các trường tiểu học có tỷ lệ học sinh DTTS từ 30% trở lên đều tổ chức chương trình giao lưu tiếng Việt. Nhiều phòng GD-ĐT đã tổ chức giao lưu tiếng Việt cho học sinh DTTS cấp tiểu học toàn huyện 1 lần/năm học. Học sinh tiểu học người DTTS đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Tiếng Việt hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra.
Hội nghị cũng đã tập trung thảo luận về thực trạng quản lý, chỉ đạo, triển khai công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng khó khăn, vùng DTTS; đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả Đề án trong giai đoạn 2021-2025.
Khen thưởng các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án. Ảnh: Hồng Thi |
Dịp này, Giám đốc Sở GD-ĐT đã quyết định tặng giấy khen cho 32 tập thể và 64 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS” giai đoạn 2016-2020.
HỒNG THI