Sắp kết thúc nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tung đòn mạnh mẽ vào Trung Quốc, khiến ông Joe Biden rơi vào thế căng thẳng với Bắc Kinh khi nhậm chức.
Ông Joe Biden và ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, trong cuộc gặp hồi năm 2015 tại Bộ Ngoại giao Mỹ - Ảnh: Reuters |
Định hình lại quan hệ với Trung Quốc
Hôm qua 10.1 (theo giờ VN), website của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng tải thông báo của Ngoại trưởng Mike Pompeo về quan hệ với Đài Loan. Theo đó, nhiều năm qua Mỹ đã đơn phương đặt ra các hạn chế trong quan hệ ngoại giao, quân sự với Đài Loan. Việc đặt ra các giới hạn này, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, là nhằm xoa dịu chế độ cầm quyền ở Trung Quốc đại lục.
PGS Stephen Robert Nagy |
“Giờ đây điều đó không còn nữa”, thông cáo trên khẳng định và cho biết sẽ dỡ bỏ tất cả các hạn chế mà Washington tự áp đặt trong quan hệ với Đài Loan.
Cùng ngày 10.1, trả lời Thanh Niên về diễn biến trên, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản; học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng: “Việc Mỹ dỡ bỏ các hạn chế trong quan hệ với Đài Loan đã định hình lại khuôn khổ quan hệ với Trung Quốc, vì động thái dỡ bỏ những hạn chế không chính thức là cách để chính thức can dự vào vấn đề Đài Loan”.
PGS Nagy phân tích thêm: “Về cơ bản, công bố trên của Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định lại quan hệ Mỹ - Trung được định hình trong Thông cáo chung Thượng Hải 1972”. Thực tế, nhiều năm qua Thông cáo chung Thượng Hải 1972 đã trở thành khuôn khổ cho quan hệ hai nước. Trong đó, về vấn đề Đài Loan, Mỹ phải tôn trọng chính sách “một Trung Quốc”, tức Mỹ có các hạn chế trong quan hệ với Đài Loan để không ứng xử như đối với một quốc gia độc lập.
Thế khó cho ông Biden
Phân tích thêm, PGS Nagy cho rằng: “Khi ông Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ, Washington khó có thể áp dụng trở lại các hạn chế cũ, vì điều đó sẽ khiến cho tân chính quyền bị xem là “thân Trung Quốc”. Thực tế này sẽ tạo ra nhiều rào cản cho việc chính quyền của ông Biden tiếp cận với Bắc Kinh”.
“Trong ngắn hạn, Trung Quốc khó có biện pháp phản ứng phù hợp vì đang thận trọng chờ xem chính quyền của tổng thống tân cử Biden sẽ có những động thái như thế nào. Bắc Kinh sẽ phản ứng khi tân chính quyền ở Washington có động thái mới. Nếu ông Biden cho phép chính quyền mới tương tác với Đài Loan như với nhà nước chính thức, Bắc Kinh chắc chắn sẽ đáp trả Washington ở các khu vực tiềm ẩn căng thẳng trong khu vực”, PGS Nagy nói.
Cũng trả lời Thanh Niên về động thái mới của Bộ Ngoại giao Mỹ, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng điều đó sẽ khiến ông Biden ở trong một vị thế căng thẳng với Trung Quốc ngay từ khi nhậm chức. “Nhưng dù sao thì Tổng thống tân cử Biden cũng khó “thân thiết” với Trung Quốc”, TS Nagao nhận xét thêm và giải thích rằng trong tập tài liệu Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 (đây cũng là bản mới nhất), Mỹ đã khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược.
Theo ông Nagao, thời gian qua Trung Quốc tập trung vào đầu tư phát triển để phục vụ bước tiến về công nghệ cao đáp ứng chiến tranh, và tăng trưởng kinh tế nhanh chóng. Khi vượt trội về 2 yếu tố này, Bắc Kinh có thể vượt qua Washington mà không cần chiến tranh. Đáp trả lại, Tổng thống Trump đã có các chính sách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn Trung Quốc bứt phá về công nghệ và kinh tế.
“Nếu chính quyền của ông Biden lơi lỏng việc theo đuổi các chính sách mạnh mẽ nhằm vào Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ có cơ hội vượt qua Mỹ. Vì thế, ông Mike Pompeo đã cẩn thận phòng ngừa điều đó”, TS Nagao nhận xét và nói thêm: “Đồng thời, động thái này cũng còn để “trả đũa” Bắc Kinh về vấn đề Hồng Kông khi nhiều người đối lập ở đặc khu hành chính này bị bắt giữ gần đây”.
Theo NGÔ MINH TRÍ (thanhnien)