Tờ Guardian dẫn lời ông Zelenskiy cuối tuần trước cho biết hoạt động quân sự của Ukraine ở khu vực Kursk nhằm tạo ra một vùng đệm để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Moscow qua biên giới.
Đây là lần đầu tiên tổng thống Ukraine tuyên bố rõ ràng mục tiêu của chiến dịch được triển khai vào ngày 6-8.
Trước đó, ông Zelenskiy từng đề xuất kế hoạch này nhằm bảo vệ các cộng đồng ở khu vực giáp biên giới tránh bị pháo kích liên tục.
Xe tăng của quân đội Ukraine ở vùng Sumy, giáp biên giới Nga hôm 17-8. Ảnh: EPA |
Theo ông Zelenskiy, nhiệm vụ chính của Ukraine là dập tắt khả năng tiến công của Nga càng nhiều càng tốt và tiến hành phản công hết mức.
Cuộc tấn công vào Nga của Ukraine có sử dụng xe tăng và các phương tiện bọc thép khác. Trong phát biểu về việc tạo vùng đệm, ông Zelenskiy tuyên bố lực lượng Ukraine “đã đạt được kết quả tốt và rất cần thiết”.
Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5 rằng cuộc tấn công của Moscow vào tháng đó ở khu vực Kharkov, phía Đông Bắc Ukraine nhằm “tạo ra một vùng đệm”.
Cuộc tấn công này đã mở ra một mặt trận mới, khiến hàng ngàn người Ukraine phải di dời. Ông Putin giải thích cuộc tấn công là để phản ứng trước việc Ukraine pháo kích vào khu vực Belgorod của Nga. Ông nói: “Nếu tình trạng này tiếp tục, chúng tôi sẽ buộc phải tạo ra một khu vực an ninh”.
Trong khi đó, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng hoạt động quân sự của Kiev ở khu vực Kursk "gây ra rủi ro to lớn cho an ninh toàn cầu".
Ukraine tuyên bố phá hủy cây cầu chiến lược thứ 2 ở Nga
Nga ban bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Belgorod, tố Ukraine đe dọa 2 nhà máy điện hạt nhân
“Điều nguy hiểm là kiểu leo thang này của Ukraine là một nỗ lực nhằm thúc đẩy Nga thực hiện các hành động bất đối xứng, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân” - ông Lukashenko trả lời phỏng vấn kênh Russia-1 phát sóng hôm 18-8.
Theo học thuyết hạt nhân hiện tại, Nga chỉ có thể triển khai kho vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại nước này hoặc các đồng minh của nước này, cũng như trong trường hợp sử dụng vũ khí thông thường gây hấn chống lại Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần khẳng định không cần thiết phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự tại Ukraine. Moscow cảnh báo họ có thể thay đổi học thuyết hạt nhân của mình nhưng cho biết bất kỳ thay đổi nào cũng sẽ nhằm đáp trả động thái leo thang của NATO.
Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)