(GLO)- Chúng tôi trở lại nơi đặt Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) vào một ngày tháng 7 lất phất mưa. Từ ngọn đồi cao nằm trên đường Yết Kiêu (phường Thống Nhất, TP. Pleiku) lộng gió phóng tầm mắt bao quát khung cảnh nhà cửa, phố xá hiện đại. Thắp nén hương cho đồng chí, đồng đội, bao ký ức về những ngày lao khổ lại tràn về trong tâm tưởng những cựu tù kiên trung.
Người tù số 824
Qua nhiều lao ải, tù đày nhưng ông Nguyễn Hữu Nghị (24 Đặng Trần Côn, tổ 3, phường Trà Bá, TP. Pleiku), nguyên cán bộ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Quyết Chiến, Sư đoàn 3-Sao Vàng (Quân khu 5) vẫn khắc sâu vào trí nhớ số tù của mình tại Trại giam tù binh Pleiku: số 824. Ông bị bắt và đưa về đây sau một trận đánh ở Phù Mỹ (Bình Định) tháng 10-1966, khi mới 17 tuổi.
Từ những năm 1965-1967, Mỹ đưa ra chiến lược Chiến tranh cục bộ hòng tận dụng ưu thế hỏa lực, công nghệ và quân số của lực lượng viễn chinh để đè bẹp quân giải phóng miền Nam, đồng thời điều động lực lượng không quân đánh phá miền Bắc. Đây được đánh giá là giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh Việt Nam. Từ giữa năm 1966 đến tháng 9-1967, chúng mở liên tiếp nhiều trận càn lớn, dài ngày vào các căn cứ và vùng giải phóng của ta ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi... Lúc này, ngoài các nhà tù chính trị, các trại cải huấn, Mỹ-ngụy gấp rút xây thêm nhiều trại giam mới ở các vùng chiến thuật I, II, III, IV... để giam giữ tù binh. Trại giam tù binh Pleiku là một trong số đó.
Ông Nguyễn Hữu Nghị chưa quên những ký ức đau thương khi hồi tưởng về những ngày bị giặc tù đày, tra tấn tại Trại giam tù binh Pleiku. Ảnh: Phương Duyên |
Toàn khu vực trại giam rộng khoảng 7 ha, gồm 2 trại với 18 phòng giam (trong đó có 2 phòng dùng làm chuồng cọp). Mỗi phòng giam dài 20 m, rộng 5 m, là nơi giam giữ từ 80 đến 120 người. Đến đầu tháng 9-1966, trại giam này mới có khoảng 250 tù binh, đa số là bộ đội, thương binh miền Bắc và một số du kích miền Nam. Ngày 16-9-1966, có thêm 12 nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn tuồng Khu 5 và Đoàn dân ca Khu 5 bị bắt vào.
Mức độ tra tấn tại đây vô cùng tàn khốc. Nay đã ở tuổi 73, người tù số 824 vẫn rùng mình khi kể lại những nhục hình mà ông và đồng chí, đồng đội đã phải trải qua: từ điện giật, dùi đâm đến dao cắt, lửa nung. Đáng sợ nhất là hình thức tra điện. Mỗi lần như vậy, cơ thể người tù như có hàng trăm ngàn lưỡi dao đâm vào, mắt phủ một quầng lửa bỏng rát. Ông cũng từng chết đi sống lại sau các đòn tra tấn như bị dùi cui đánh vào đầu, đầu gối, mắt cá chân, đổ xà phòng vào miệng… Dẫu vậy, ông vẫn một mực giữ vững khí tiết và khai không biết gì.
Nêu cao khí tiết cách mạng
Bất chấp sự tàn độc rợn người, khí thế đấu tranh của tù binh tại trại giam ngày càng lên cao. Ông Nghị nhớ mãi một sự kiện vào Tết Đinh Mùi 1967. Năm đó, bọn chỉ huy Trại giam tù binh Pleiku đồng ý cho tù nhân biểu diễn văn nghệ đón xuân tại sân điểm danh. Chương trình được giao cho anh em trong Đoàn văn công Khu 5 lo liệu với trích đoạn tuồng “Trần Bình Trọng”. Bọn quân cảnh không rõ nội dung nên đưa vợ con đến xem rất đông, có cả giám thị và 5-6 tên lính Mỹ.
Để chuẩn bị cho buổi diễn, các diễn viên lấy xẻng xúc cơm, nắp xoong, chảo làm dàn nhạc. Khi hát đến câu tuồng: “Chúng mày là quân…”, nghệ sĩ Võ Sỹ Thừa ngân dài giọng, đợi cho đến khi ngón trỏ chỉ thẳng mặt tên giám thị trại giam và đồng bọn thì mới chốt bằng 2 từ như tiếng thét: “…bán nước!”. Bọn chúng lập tức đỏ mặt tía tai. Tiếp đó, câu nói nổi tiếng của viên tướng nhà Trần: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” đã giáng thêm một đòn vào uy thế của địch, khiến cả đám cay cú lắm nhưng không làm gì được.
Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh tại Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) luôn được các đồng chí, đồng đội hương khói mỗi dịp lễ, Tết. Ảnh: Phương Duyên |
Sau khi Chi bộ “Ba tháng hai” thành lập vào ngày 3-2-1967, đến tháng 9-1967, tại đây đã có thêm 4 chi bộ và 4 chi đoàn. Việc thành lập Đảng ủy để thống nhất lãnh đạo đã trở thành một yêu cầu bức thiết. Đảng ủy gồm 3 đồng chí: Nguyễn Kim Hùng (Bí thư), Nguyễn Liêng (Phó Bí thư) và Nguyễn Thính (Đảng ủy viên). Chỉ trong 2 năm (1967-1969), Đảng ủy Trại giam tù binh Pleiku đã thành lập được 20 chi bộ với 200 đảng viên sinh hoạt. Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, tù binh tại đây dù bị đàn áp, tra tấn dã man nhưng vẫn anh dũng đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, giữ gìn và nêu cao khí tiết cách mạng.
“Mong sớm được công nhận là di tích lịch sử”
Đến năm 1972, Trại giam tù binh Pleiku-nơi từng giam giữ hơn 4.000 chiến sĩ cách mạng-kết thúc “vai trò lịch sử” khi toàn bộ tù binh bị chuyển hết ra Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc, một trong những “địa ngục trần gian” của Mỹ-ngụy.
Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch:Trại giam tù binh Pleiku (1966-1972) đã được Sở đưa vào danh sách kiểm kê, sưu tầm hiện vật giai đoạn 2018-2023. Tuy nhiên, để nơi này được công nhận là di tích lịch sử cần có sự vào cuộc của lãnh đạo TP. Pleiku. Ủy ban nhân dân thành phố cần sớm làm hồ sơ theo sự hướng dẫn của các phòng ban chuyên môn của Sở. Sau đó, Sở sẽ trình và tham mưu UBND tỉnh xem xét, công nhận. |
Năm 2005, tại khu vực này, Đội 343 (nay là Đội K52) của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã khai quật hố chôn tập thể các chiến sĩ cách mạng bị địch tra tấn, sát hại. Tổng cộng có 240 bộ hài cốt đã được cất bốc. Những người chứng kiến không cầm được nước mắt khi bắt gặp nhiều bộ hài cốt vẫn vướng víu còng sắt, dây dù; có những xương đầu, xương bánh chè còn lủng lẳng những chiếc đinh do địch đóng vào khi tra tấn! Đến nay, tất cả vẫn chưa xác định được danh tính.
Trò chuyện với P.V, ông Trần Chín-Phó Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh-cho hay: Trại giam tù binh Pleiku tuy đã bị phá hủy, cơ sở vật chất không còn, song vẫn còn một số hiện vật, dấu tích trong và ngoài trại giam như: giếng nước tưới rau, bồn nước hoa thị, chân pháo đài bằng gỗ tẩm dầu ở góc trại giam, đường trải nhựa từ quốc lộ 14 (đi Kon Tum) dẫn vào tận cổng trại giam dài khoảng 500 m. “Ý nghĩa lịch sử của nơi này vô cùng to lớn. Anh em cựu tù các tỉnh khi về lại đây hương khói đều hỏi han chúng tôi rằng: Nơi này đã được công nhận là di tích lịch sử hay chưa? Thiết nghĩ, đây là “sợi chỉ đỏ” truyền thống, cần được quan tâm làm hồ sơ công nhận di tích, có nhà trưng bày hiện vật để làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, chứ chỉ một tấm bia thì chưa thật xứng đáng với sự hy sinh của 240 chiến sĩ cách mạng”-ông Chín mong mỏi.
PHƯƠNG DUYÊN