Điểm đến Gia Lai

"Trải nghiệm" xe đò chạy khí than

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có lẽ phải những người từ độ tuổi 40 trở lên, sống qua thời bao cấp mới “được” đi trên loại xe “có một không hai” ở thời điểm lịch sử khó quên này.
Tháng 4-1983, tôi nhận quyết định vào Gia Lai công tác. Cầm tờ công lệnh chầu chực suốt nửa ngày ở bến xe An Cựu (TP. Huế), mãi rồi tôi cũng mua được vé đi Quy Nhơn. Cứ đinh ninh là sẽ được đi trên chiếc xe ca sạch sẽ, nào ngờ, sáng ra bến xem số xe mới biết là mình bị xếp lên một chiếc xe nhỏ thó, cóc cáy chạy bằng khí than, mà lại ngồi số ghế sau cùng nữa mới khốn khổ.
Xe đò chạy bằng khí than thời ấy là xe Renaul loại 12 chỗ ngồi của Pháp, được nhập về miền Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sở dĩ phải chạy bằng khí than là bởi sau ngày thống nhất, nước ta bị cấm vận, xăng dầu cực hiếm. Ai có ô tô, xe máy đăng ký mới được cấp phiếu mua xăng và với số lượng rất hạn chế. Trong bối cảnh ấy, các chủ xe nghĩ ra cách dùng khí than làm nhiên liệu. Nói “nghĩ ra”, thực tế công nghệ này đã có ở châu Âu từ thế chiến thứ II rồi. Động cơ xe chẳng có gì thay đổi nhưng để tạo ra “khí ga”, người ta phải chế thêm 1 chiếc thùng sắt hình tròn, cao gần bằng chiều cao của xe. Than củi sẽ được tống vào chiếc thùng này hầm cho nóng lên. Sau khoảng 1 giờ, “khí ga” sinh ra trong điều kiện than cháy thiếu không khí sẽ được dẫn đến một bầu lọc thô sơ rồi được hút vào xi lanh làm nhiên liệu, sau khi máy đã được “mồi” nổ bằng xăng. Cũng bởi hình dáng độc đáo này mà bấy giờ người ta còn gọi là “xe hỏa tiễn”.
Mới đi được chừng chục cây số, lưng tôi đã bắt đầu nóng ran rồi mồ hôi túa ra ướt đầm cả áo. Không chịu nổi, mấy hành khách cùng băng ghế với tôi lần lượt bỏ chỗ lần ra phía trước. Hết chỗ đứng, tôi đành lùi vào góc xa chiếc bình than chịu trận. Có cảm giác mình như đang ngồi trong một chiếc lò bát quái, người sắp bị sấy khô đến nơi. Xe chạy chậm rì, khục khặc như một con vật bị hóc xương. Thỉnh thoảng, nó lại phải dừng để người “lơ” lấy chiếc chặn bánh xe bằng gỗ đập vào thùng chứa rồi trèo lên nóc lấy cây ngoáy cho than rơi xuống. Xuất phát từ Huế 6 giờ sáng, đến 10 giờ đêm xe mới tới được Quy Nhơn. Đếm lại tiền, áng chừng chỉ còn đủ mua vé xe lên Pleiku, tôi quyết định vào Đài Truyền hình Quy Nhơn tìm người bạn cùng lớp mới nhận công tác ở đó. Bạn kinh ngạc nhìn tôi một lúc rồi phá lên cười: “Trời, mày ở đâu ra mà trông như anh thợ lò thế?”.
Sáng hôm sau, nhờ chiếc thẻ nhà báo của bạn, tôi mua được 1 vé ưu tiên. Nói “ưu tiên” thực ra chỉ cách băng ghế cuối một hàng ghế. Có đỡ hơn về cái nóng và bụi than nhưng sự khổ não dọc đường thì vẫn không khác mấy. Vẫn cái cảnh dừng xe cho “lơ” gõ thùng, chọc ngoáy. Lên đèo An Khê, Mang Yang lại phải xuống lếch thếch đi bộ từng quãng để xe trườn lên. Xuất phát từ Quy Nhơn lúc 6 giờ, mãi đến 16 giờ mới tới được Pleiku. Mệt lả người sau hơn 2 ngày chịu trận trong “chiếc lò bát quái”, tôi cũng chẳng buồn để ý đến bộ dạng của mình. Bà bảo vệ cơ quan Đài, khi nghe tôi xin gặp Giám đốc thì nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi: “Chú ở xã nào lên?”. Còn Giám đốc Thái Hiền Minh khi nghe nói tôi là sinh viên đến nhận công tác thì phì cười: “Trông cháu thế này, bảo vệ hỏi ở xã nào lên cũng phải”.
Suốt cả 2 cái Tết sau đó, nghĩ đến cảnh chen chúc trên những chiếc xe chạy khí than khủng khiếp nên tôi không dám về quê. Trong khi đó, với bao nhiêu người, lúc bấy giờ mua được chiếc vé xe “giá nhà nước” để đi lúc có việc, đặc biệt là vào dịp Tết đã là may mắn lắm rồi; còn cảnh chen chúc, nỗi khổ nóng bức, hôi hám trên tàu xe thì ai cũng chấp nhận như sự đương nhiên. Cuộc sống đổi thay, tôi cũng không còn nhớ những chiếc xe khách chạy khí than khủng khiếp ấy đã xếp lại từ bao giờ, hình như là những năm 1987-1988. 
NGỌC TẤN

Có thể bạn quan tâm