Bạn đọc

Trại tạm giam Công an Gia Lai chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, Trại tạm giam (Công an tỉnh) đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ biến thông tin và các chế độ chính sách… đối với phạm nhân. Qua đó, đơn vị đã giúp họ nâng cao nhận thức về việc sống và làm việc theo pháp luật, yên tâm cải tạo để sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Đến với Trại tạm giam (Công an tỉnh), chúng tôi được tận mắt chứng kiến một tiết học dành cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù. Học viên của lớp học đặc biệt này có độ tuổi, hoàn cảnh, trình độ học vấn và án phạt khác nhau. Có người chỉ mới đôi mươi, có người trên đầu đã hai thứ tóc. Đại úy Lê Anh Tuân-Phó Trưởng phân trại quản lý phạm nhân-một trong 4 cán bộ giàu kinh nghiệm, tâm lý, có kỹ năng sư phạm đã được đơn vị tuyển chọn để truyền đạt các nội dung một cách dễ hiểu, dễ nhớ nhất.

 

Một buổi giáo dục, phổ biến pháp luật cho phạm nhân đang thi hành án phạt tù Ảnh: N.V.M
Một buổi giáo dục, phổ biến pháp luật cho phạm nhân đang thi hành án phạt tù. Ảnh: N.V.M

Đại úy Lê Anh Tuân cho hay: Những buổi phổ biến, giáo dục như thế này được tổ chức vào ngày thứ bảy hàng tuần. Giáo án xoay quanh các kiến thức về pháp luật như: Luật Hình sự, Luật Cư trú, Luật Hôn nhân và Gia đình… và một số kiến thức về văn hóa. Mỗi tiết học không nặng về lý thuyết mà đưa ra những tình huống thực tế để phạm nhân dễ tiếp thu. Nhiều phạm nhân mạnh dạn lấy trường hợp vi phạm của bản thân để cùng đặt câu hỏi, trao đổi, thảo luận. Qua đó, phạm nhân nhận thức rõ hơn về lỗi lầm của mình. “Chúng tôi xác định công tác giáo dục, phổ biến pháp luật cho phạm nhân là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Với mong muốn phạm nhân được cải tạo thành người có ích cho gia đình và xã hội, trong mỗi bài giảng, chúng tôi luôn hướng cho họ đến những điều tốt đẹp, trang bị cho họ những kiến thức về pháp luật, đạo đức… trước khi được hòa nhập với cộng đồng”-Đại úy Lê Anh Tuân chia sẻ.

Ngoài chương trình cho phạm nhân đang chấp hành án, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục văn hóa còn có chương trình dành cho phạm nhân mới thi hành án và phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù. Đối với những người mới thi hành án, cán bộ chủ yếu tập trung giáo dục về đạo đức, lối sống, phổ biến quy định, chế độ của trại. Những trường hợp sắp được tại ngoại sẽ được phổ biến, bổ sung những kiến thức, kỹ năng sống theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Từ đầu năm 2017 đến nay, Trại tạm giam đã tổ chức 69 lớp học tập trung nội quy, phổ biến kiến thức pháp luật cho gần 1.500 lượt phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và hàng chục phạm nhân mới đến phân trại thi hành án, phạm nhân sắp được mãn hạn tù, phạm nhân được đặc xá và phạm nhân giảm hết thời hạn.

Sau hơn 35 năm trốn truy nã về tội trộm cắp tài sản Nhà nước và trốn khỏi nơi giam giữ, năm 2015, phạm nhân Lê Văn Thống (SN 1954, quê ở huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) bị cơ quan Công an phát hiện, vận động đầu thú và đang chấp hành án phạt 5 năm tù để trả giá cho lỗi lầm năm xưa. Phạm nhân Thống tâm sự: “Trong thời gian lẩn trốn, tôi đã lập gia đình và có 3 người con. Vào chấp hành án khi tuổi đã già, nỗi nhớ quê hương, gia đình khiến tôi nhiều lần suy sụp tinh thần. Nhưng được cán bộ quản giáo động viên, được phổ biến các quy định pháp luật, tôi suy nghĩ thấu đáo mọi việc, lạc quan hơn và đang cố gắng lao động thật tốt để sớm về với gia đình”.

Còn phạm nhân Nguyễn Văn Đức (SN 1990, ở huyện Krông Pa) giãi bày: “Trước kia, do tuổi trẻ nông nổi, thiếu hiểu biết pháp luật, tôi tham gia vào một vụ gây rối trật tự công cộng, án phạt của tôi là 3 năm 6 tháng tù. Sau khi chấp hành án ở Trại tạm giam (Công an tỉnh), tôi được cán bộ quản giáo trau dồi kiến thức, kỹ năng sống, từ đó giúp tôi chấp hành tốt nội quy, cải tạo tốt. Hàng tháng, Trại tạo điều kiện để vợ và các con của tôi đến thăm nuôi. Đến nay, tôi đã chấp hành án được hơn 30 tháng. Không lâu nữa, tôi sẽ được đoàn tụ với gia đình. Bản thân tôi nghĩ rằng, việc được phổ biến, giáo dục pháp luật rất cần thiết và ý nghĩa, giúp chúng tôi chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi ra trại”.

Nguyễn Văn Minh

Có thể bạn quan tâm