TN - Đất & Người

Trần Nhàn- người “biết ước mơ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biết ước mơ là điều kiện để thành công, nhưng hơn thế nữa, là nỗ lực biến mơ ước thành hiện thực. Đó là câu chuyện của Trần Nhàn-từng là học sinh Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê), sinh viên Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh và hiện là nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Melbourne-Úc.
Đầu tháng 9-2011, tại Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 33 về “Ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong y sinh” (33rd Annual International Conference of the IEEE Engineering in Medicine and Biology Society) tổ chức ở Boston-Mỹ, Nhàn là nghiên cứu sinh duy nhất của Việt Nam vượt qua hơn 1.000 người, lọt vào top 15 sinh viên được chọn thuyết trình tại vòng chung kết ở hội thảo (các hội thảo khoa học quốc tế thường tổ chức thêm cuộc thi dành cho sinh viên khắp nơi trên thế giới cùng chung một mối quan tâm).
Trần Nhàn (giữa) thảo luận cùng bạn bè trong phòng thí nghiệm.
Trần Nhàn (giữa) thảo luận cùng bạn bè trong phòng thí nghiệm.
Trong số 3 người được trao giải, Nhàn xuất sắc giành giải nhì. Về thành tích nói trên, anh chàng nghiên cứu sinh gốc Tây Sơn Thượng đạo vừa mới qua tuổi 30 này chỉ nói một câu thật khiêm tốn: “Cũng không có gì to tát lắm đâu!”. Tuy nhiên, nếu biết rằng trong số 15 người được chọn tại hội thảo chỉ có 1 thuyết trình viên là người Nhật, 2 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam, số còn lại đều đến từ Âu-Mỹ với vốn tiếng Anh và kỹ năng trình bày chuyên nghiệp thì sẽ hiểu những nỗ lực của Nhàn lớn đến mức nào.
Bionic-eye và đề tài tiến sĩ
Đề tài thuyết trình tại hội thảo nói trên chính là một phần của dự án mà Nhàn đang tham gia tại Úc: Dự án Bionic-eye (tạm gọi là dự án võng mạc nhân tạo), giúp người mù có thể “nhìn thấy” bằng cách cấy một con chip lên võng mạc của họ. Tính thiết thực cao của đề tài đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ban giám khảo và các nhà khoa học khác tại hội thảo.
Khái quát về dự án Bionic-eye, Nhàn cho hay, sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ chuyên ngành điện tử tại Đại học Kyung Hee (Hàn Quốc) và chuẩn bị sang Úc học tiến sĩ, Nhàn đã bị hấp dẫn bởi dự án này của Chính phủ Úc nên nộp hồ sơ xin tham gia, đồng thời chọn làm đề tài tiến sĩ.
Tháng 5-2011, Nhàn được Trường Đại học Melbourne tuyển làm nghiên cứu viên chính thức với nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế con chip cùng một nhóm đồng nghiệp. Nhàn giải thích: Một số người bị mù là do các tế bào tiếp nhận ánh sáng trên võng mạc bị thoái hóa, nhưng thực ra trên võng mạc vẫn còn một số tế bào khác hoạt động. Vì thế có thể dùng một con chip gắn vào võng mạc, kết nối con chip với các điện cực; trong khi đó, một chiếc camera tí hon (gắn trên cặp kính mắt) cùng một bộ xử lý đeo gọn nhẹ bên hông như chiếc điện thoại di động sẽ gửi năng lượng và hình ảnh vào con chip này qua đường truyền wireless, dữ liệu hình ảnh tiếp tục được chuyển thành dòng điện, dòng điện sẽ chạy từ con chip qua các điện cực kích thích các tế bào còn khỏe trên võng mạc, giúp người mù có thể nhìn thấy được.
Ở phần quan trọng nhất của dự án là thiết kế con chip, Nhàn là người chuyên trách phần chuyển dữ liệu hình ảnh thành dòng điện để kích thích các điện cực. Phần nội dung này chính là đề tài thuyết trình của Nhàn tại hội thảo, cũng là kết quả 3 năm nghiên cứu. “Dự án có khả thi không?”-“Đề tài này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm, cần thêm nhiều thời gian vì còn một số vấn đề về kỹ thuật phải giải quyết, tuy nhiên có thể nói là khả thi”-Nhàn tự tin cho biết. Song, vì kỹ thuật phức tạp nên chi phí cho một cuộc phẫu thuật và thiết bị có thể lên đến 100.000 USD, “vì thế, không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả các nước, không dễ để người mù có thể hưởng lợi nếu Chính phủ không hỗ trợ”-Nhàn không khỏi băn khoăn.
“Phải biết ước mơ”
Ít ai biết rằng, chàng nghiên cứu sinh ở tận xứ sở Chuột túi này trưởng thành từ trong rất nhiều gian khó. Nhàn là con thứ 3 trong một gia đình có đến 6 anh chị em, ba mẹ chỉ là những người thuần nông. Quá khó khăn, anh trai đầu của Nhàn phải nghỉ học sớm. Ngoài giờ học hoặc đến hè, Nhàn đều cật lực phụ giúp ba mẹ làm thêm.
Thầy Nguyễn Tuấn Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (thị xã An Khê), người có 3 năm bồi dưỡng cho Nhàn để đi thi học sinh giỏi môn tiếng Anh, vẫn còn xúc động khi nhớ lại: “Hoàn cảnh gia đình Nhàn lúc đó khó khăn lắm, nhiều hôm em đến nhà tôi để bồi dưỡng môn tiếng Anh mà hai tay vẫn còn vết xước của cỏ mía…”. Đã 12 năm kể từ ngày cậu học trò lam lũ ấy ra trường, song thầy Hùng vẫn nhớ như in sự cần cù, chịu khó, lễ phép, ý thức học tập cao của cậu; nhờ đó cậu đã từng đạt giải nhì cấp tỉnh và giải khuyến khích cấp quốc gia môn tiếng Anh. “Dù đi học xa nhưng thỉnh thoảng Nhàn vẫn gửi mail và về lại trường thăm thầy cô. Tôi rất tự hào khi biết Nhàn có một giải thưởng như vậy ở Mỹ”-Thầy Tuấn Hùng vui mừng nói. Thầy Tuấn Hùng cũng như các thầy-cô giáo ở Trường THPT Quang Trung còn tự hào vì người bạn đời của Nhàn là Nguyễn Thị Văn Uyển cũng chính là một học sinh của trường. Từ mái trường này ra đi, cả hai cùng học chung một trường đại học, cùng đi học thạc sĩ tại Hàn Quốc và cùng tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Úc. Một “đôi bạn cùng tiến” điển hình!
Nói về kinh nghiệm “săn học bổng”, Nhàn chia sẻ: “Phải chuẩn bị vốn tiếng Anh thật kỹ, làm quen với việc nghiên cứu từ khi đang học đại học, vừa học vừa tìm kiếm thông tin về học bổng các nước. Bên cạnh đó là sự nỗ lực không ngừng vì nếu không sẽ khó trụ nổi”. Dự định lớn nhất hiện giờ của Nhàn là sau khi tốt nghiệp tiến sĩ sẽ trở về ngôi trường bên dòng sông Ba để vận động bạn bè, người thân gây quỹ hỗ trợ cho các em học sinh “khuyến khích các em ham học và biết ước mơ”. Vì biết ước mơ, cậu học trò nghèo khó ngày nào đã chạm đến được những mục tiêu quan trọng của đời mình, vươn đến những chân trời tri thức. “Hồi trước gia đình mình không dư dả gì nên mình rất hiểu: Nếu các em có được một học bổng nho nhỏ thì sẽ ý nghĩa lắm…”-Nhàn bộc bạch.
Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm