Xã hội

Trăn trở ngày Tết ở Ea Lũh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không quá xa trung tâm TP. Pleiku, đường sá giao thông thuận lợi nhưng làng Ea Lũh (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) đang là một trong những ngôi làng nghèo nhất tỉnh Gia Lai với gần 90% hộ dân thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. 
Những ngày giáp Tết, người dân rủ nhau đánh cỏ ở bờ hồ Ea Lũh đem về lát tại sân nhà thờ của làng. Đây là  hoạt động khá sôi nổi của người dân tộc Xê Đăng ở làng trong những ngày áp Tết. Theo ông Kpă Kun, trước đây khi giá cả nông sản thuận lợi, dân làng Ea Lũh cũng đón một cái Tết tương đối tươm tất với bánh tét, con gà. Một số nhà có điều kiện thì gom góp mổ heo hay sắm quần áo mới cho lũ trẻ.
“Mọi năm, nhà nào cũng cố gắng sắm sửa chuẩn bị dù ít dù nhiều để có Tết với mọi người. Nhưng năm nay không được như ý, nhiều hộ không còn nhận khoán vườn chè, cà phê, diện tích vừa ít vừa mất năng suất. Rồi ảnh hưởng bởi dịch bệnh, người dân không đi làm thuê được nhiều nên không biết lấy tiền đâu sắm Tết”-ông Kun thở dài. Gia đình ông Kun có đến 8 người con gồm 4 trai, 4 gái, trong đó có 3 người con lớn đã đi làm công nhân tại TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Khi dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam, cả 3 người con của ông đều là F0. Dù đã khỏi bệnh nhưng công ty dừng hoạt động trong thời gian dài khiến công việc bị gián đoạn, thu nhập bấp bênh. Ông Kun cho biết: “Mọi năm, tụi nó cũng về quê ăn Tết rồi biếu cha mẹ mấy đồng sắm Tết, năm nay tụi nó nhắn không về được mà cũng không có tiền gửi về, chỉ đủ ăn trong đó thôi. Giờ vợ chồng tôi cũng phải vất vả lo cho 5 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học”.
Con đường vào làng Ea Lũh khang trang thuận lợi nhưng người dân vẫn khó khăn trong công cuộc thoát nghèo. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Đường vào làng Ea Lũh. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Gia đình chị A Na cũng loay hoay với cuộc sống mưu sinh để nuôi 7 miệng ăn. Mới 37 tuổi, chị đã là mẹ của 5 đứa trẻ. “Vợ chồng mình muốn sinh con trai, sau rồi đẻ 5 đứa vẫn là con gái. Nếu ông trời cho, vợ chồng mình vẫn sẽ… sinh tiếp”-chị A Na thẹn thùng nói. Trước kia, 2 vợ chồng chị A Na còn nhận khoán vườn chè để có thêm nguồn thu, ngoài vài sào cà phê cùng công việc làm thuê, làm mướn. Nhưng hiện tại, vườn chè đã trả lại cho Công ty, cà phê thất bát, việc làm cũng không ổn định. 
Không có nguồn thu dịp cuối năm, chị A Na đang lo âu bởi khoản nợ hơn 10 triệu đồng tại cửa hàng phân bón cùng lũ trẻ ở nhà nheo nhóc. Chị A Na bày tỏ: “Tết nhất có lẽ mình cũng cố gắng mua cho tụi nhỏ ít kẹo bánh và đi thăm họ hàng, làng xóm. Hy vọng sang năm mới cuộc sống sẽ ổn định hơn”. 
Trao đổi với P.V, ông Huỳnh Trọng Quang-Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng-trăn trở: “Làng Ea Lũh hầu hết đều là người Xê Đăng với 120 hộ thì có đến gần 90% là hộ nghèo và cận nghèo. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cũng đã lồng ghép thực hiện nhiều chương trình, dự án với nỗ lực giảm nghèo, hỗ trợ cho người dân làng từ cây con giống, vật tư đến phương tiện sản xuất như máy cắt cỏ… nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nhiều hộ dân vẫn duy trì tập quán sản xuất và sinh hoạt cũ, sinh đông con dù đã tích cực tuyên truyền, vận động, trong khi đất đai để canh tác ít lại cằn cỗi. Trước kia, nhiều người nhận khoán vườn chè để làm nhưng vì đạt năng suất thấp nên không được nhận nữa. Dịch Covid-19 bùng phát nên thanh niên trong làng cũng không thể đi xa làm ăn khiến đời sống thêm phần khó khăn”. 
Cũng theo ông Quang, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ nguồn lực cho Ea Lũh, đưa cuộc vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững đi vào thực chất. Đây là việc làm khó nhưng phải quyết làm và làm cho được. Đồng thời, liên hệ với các đơn vị để tạo việc làm cho người dân và chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, đẩy mạnh truyên truyền cho bà con, nhất là thanh-thiếu niên thực hiện nếp sống mới. “Một số thanh niên trong làng cũng đã nhận thức được việc đẻ nhiều con chỉ khiến cuộc sống thêm khó khăn. Chúng tôi cũng cố gắng giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân xuất khẩu lao động..., nhưng quan trọng nhất vẫn là khơi dậy sự nỗ lực, quyết tâm của bà con để vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống”-ông Quang nhấn mạnh. 
LÊ VĂN NGỌC

Có thể bạn quan tâm