(GLO)- Thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) vốn không có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ấy vậy mà một vài điểm có thể khai thác làm cơ sở, tạo nền móng cho “ngành công nghiệp không khói” của địa phương vẫn đang bị bỏ phí, lãng quên trong tiếc nuối.
Trong chuyến công tác tại Ayun Pa mới đây, chúng tôi được ông Mai Thế Phụng-Phó Chủ tịch HĐND thị xã đưa đi thăm công trình kè chống sạt lở bờ Tây sông Ayun, vốn đầu tư nhiều trăm tỷ đồng, dài hơn 8 km xây dựng bề thế, ôm ấp bờ sông, ngoằn ngoèo chạy ra gần nhà máy đường của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai.
Khu du lịch Suối Đá (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa). Ảnh: Thất Sơn |
Ô tô lăn bánh chỉ chừng cây số, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì con đường bờ kè rộng rãi, ta luy kiên cố, lề lát gạch quy củ. Một bên là bờ bãi màu mỡ những đậu, bắp, mía, thuốc lá, một bên là cát vàng, nước xanh, gió thổi mát rượi. Ông Phụng cho biết vẫn thường chạy bộ thể dục trên con đường này nhưng chưa bao giờ đi hết.
Hiểu niềm háo hức của chúng tôi, ông Phụng có phần nuối tiếc: “Giá như hồi quy hoạch, thiết kế, bờ kè có thêm hai hàng cây xanh thì đẹp biết chừng nào! Có thể là muồng vàng hay bằng lăng gì đấy mà thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây cho phép. Như huyện Chư Prông có bao nhiêu cây muồng vàng đâu mà đến mùa vẫn thu hút du khách, huyện bây giờ định kỳ hàng năm tổ chức lễ hội ngắm hoa muồng vàng rất thu hút khách”. Kết luận rút ra theo ông Phụng là ngoài nhiệm vụ chống sạt lở bờ sông, phục vụ nhu cầu đi lại, làm nơi vui chơi thư giãn thì dự án còn có thể khai thác làm du lịch rất tốt nếu nghiên cứu áp dụng có tính “tích hợp”.
Bởi xu hướng hiện nay, không chỉ với thị xã Ayun Pa, đẩy mạnh khai thác “ngành công nghiệp không khói” là một nhiệm vụ quan trọng đối với các địa phương trong tỉnh, nhất là những nơi có tiềm năng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) cũng đã xác định du lịch là 1 trong 3 trụ cột kinh tế. Ở nơi không có nhiều tiềm năng như Ayun Pa thì lại càng phải biết trân trọng, tận dụng đúng mức, song hành với việc tạo ra các công trình nhân tạo từ bàn tay, khối óc con người (như với dự án công trình kè chống sạt lở nêu trên), kết nối khai thác với các địa phương trong khu vực như: hồ thủy lợi Ayun Hạ, Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (huyện Phú Thiện); thắng cảnh thác Phú Cường (huyện Chư Sê)...
Với suy nghĩ ấy, chúng tôi lấy làm tiếc khi đến thăm Khu du lịch Suối Đá (xã Chư Băh, thị xã Ayun Pa). Còn nhớ, hồi anh Lê Vinh làm Chủ tịch UBND huyện Ayun Pa (cũ) có đưa chúng tôi tới thăm nơi này. Lâu ngày ghé lại, chúng tôi không khỏi chạnh lòng vì khu vực Suối Đá 2 đã cạn khô, trơ trọi chẳng ai đoái hoài.
Ngược theo con dốc tỉnh lộ 668 chừng vài cây số, Suối Đá 1 cũng đang trong tình cảnh sống dở chết dở, đồi núi trơ trọi, cây cối bị bóc tróc không thương tiếc. Rừng mất cây nên nước cũng cạn kiệt, không khí như bức bí, nóng ngột hơn. Một loạt hạng mục phục vụ du lịch do tư nhân xây dựng tự phát, dang dở, xuống cấp thảm hại: cầu treo, bờ kè, đường đi, thảm xanh, chòi nghỉ chân... Buồn nhất là dòng suối vốn nhỏ nhoi dẫu chủ nhân ra sức làm kè ngăn lại nhưng lượng nước cũng chẳng là bao.
Chủ nhân dự án này (tạm gọi vậy vì trên thực tế chưa được cấp phép) là Trần Quốc Minh. Anh Minh quê ở huyện Ea Hleo (tỉnh Đak Lak) sang đây đã 12 năm, lần hồi khai khẩn, cải thiện, xây dựng nên điểm du lịch này, đến nay tiêu tốn cũng đã 3-4 tỷ đồng.
“Ngày xưa, nơi đây là rừng hoang vu, thấy cảnh quan đẹp nên tôi xin ở lại rồi làm. Quy hoạch Khu du lịch Suối Đá có tổng diện tích là 35 ha thì riêng phần tôi khai phá, xây dựng là 3,8 ha. Gần 1 năm nay, ngành chức năng thị xã xuống yêu cầu dừng thi công tất cả các hạng mục. Lý do được chính quyền đưa ra là làm ảnh hưởng cảnh quan, môi trường, không đảm bảo an toàn cho du khách”-anh Minh cho hay.
Vợ anh Minh lục trong đống giấy tờ đưa cho chúng tôi xem hợp đồng khai thác nơi này giữa chính quyền xã và anh Minh với khoản lệ phí 5 triệu đồng/năm. Hỏi chính quyền, ngành chức năng hướng dẫn như thế nào, anh Minh cho biết, thủ tục rất rườm rà, nhiêu khê. Thị xã không tư vấn hướng dẫn gì về thủ tục pháp lý. Làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư thì yêu cầu hộ gia đình nâng cấp quy mô lên thành doanh nghiệp (?); đòi hỏi có bản vẽ chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt, cả yêu cầu chứng nhận đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện an toàn thực phẩm...
“Để hoạt động hợp pháp, cơ sở này phải có sự đồng ý của 8 sở, ngành liên quan. Còn quy trình, thủ tục, thời gian thì chưa biết kéo dài đến bao giờ. Nói thật khi xưa nơi này chẳng ai đả động tới. 12 năm qua, gia đình tôi bỏ công sức, tiền của gầy dựng thì nay bị yêu cầu dừng lại khiến cho tất cả đều xuống cấp, hư hỏng. Tôi xót của thì một mà xót công thì mười. Thêm nữa, không ai ngó ngàng, cây cối quanh khu vực này bị chặt phá, bóc trốc. Suối Đá 2 bên dưới cạn trơ đáy là vì vậy đó”-anh Minh than thở.
Từ sự việc này có thể thấy, trực tiếp vấn đề là do cán bộ các cấp không làm hết trách nhiệm. Quy hoạch Khu du lịch Suối Đá đã có thì việc kêu gọi đầu tư khai thác xứng tầm, phát huy lợi thế làm giàu cho địa phương là điều cần được đưa vào kế hoạch thực hiện rốt ráo. Xem xét giải quyết trường hợp của “ông chủ” có công khai phá Trần Quốc Minh cũng phải được nghiên cứu đầy đủ. Khu du lịch đang thoi thóp, biến dạng vì không được quản lý tốt, nhiều hạng mục đầu tư đang bị hư hại, xuống cấp, vướng mắc tranh chấp giữa chính quyền địa phương với hộ anh Trần Quốc Minh vẫn chưa có hồi kết, tình hình này không lẽ cứ kéo dài ?!
Một nhiệm kỳ mới của Đảng bộ xã Chư Băh (thị xã Ayun Pa), thiết nghĩ đang bắt đầu bằng những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của 1 trong 3 lĩnh vực trụ cột kinh tế nêu trên.
THẤT SƠN