Sống trẻ - Sống đẹp

Trần Văn Cường: Thành công nhờ đầu tư công nghệ hiện đại trong chế biến mật ong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mong muốn khởi nghiệp thành công, anh Trần Văn Cường (thôn 1, xã Ia Nhin, huyện Chư Păh) đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm mật ong, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trước khi đến với nghề nuôi ong, anh Cường có hơn 10 năm công tác trong ngành Công an. Sau khi nghỉ việc, anh đầu tư chăn nuôi bò vỗ béo nhưng không hiệu quả. Không nản chí, năm 2016, anh quyết định chuyển hướng sang nuôi ong. Ban đầu, anh nuôi thử nghiệm 200 đàn ong. Vừa nuôi, anh vừa dành thời gian tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc và tích lũy kinh nghiệm. Một thời gian sau, anh tiếp cận và bắt nhịp với thị trường online nên lượng khách ngày một ổn định và tăng dần. Theo đó, anh mạnh dạn đầu tư nuôi hơn 500 đàn ong.

Anh Trần Văn Cường bên các bồn chứa mật ong tại cơ sở chế biến của gia đình. Ảnh: N.H

Anh Trần Văn Cường bên các bồn chứa mật ong tại cơ sở chế biến của gia đình. Ảnh: N.H

“Trước đây, tôi đảm nhận tất cả các khâu từ tạo ong chúa, chăm sóc, di chuyển đàn ong đến các điểm có hoa và quay ong lấy mật. Khi tăng đàn, tôi thuê thêm người phụ giúp các phần việc đơn giản để tập trung nghiên cứu cách chế biến sản phẩm mật ong đạt chất lượng cao và tìm kiếm thị trường. Hiện nay, mỗi năm, đàn ong cho thu trung bình hơn 62 tấn mật gồm mật hoa cà phê, bạc hà, keo... Ngoài ra, mỗi năm, tôi còn thu mua khoảng 150 tấn mật ong của 10 hộ nuôi ong trong huyện. Sau khi trừ chi phí, gia đình lãi khoảng 800 triệu đồng/năm”-anh Cường phấn khởi cho hay.

Dẫn chúng tôi tham quan cơ sở chế biến mật ong của gia đình, anh Cường cho biết thêm: Sau một thời gian nuôi, anh phát hiện các sản phẩm mật ong tồn dư nhiều nước và tạp chất. Đây là nguyên nhân khiến mật không bảo quản được lâu, dễ bị lên men và không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Năm 2021, anh đầu tư 300 triệu đồng mua 1 máy lọc mật, 1 máy diệt men khử nấm, phá kết tinh mật ong. Đầu năm 2023, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình khuyến công của tỉnh, anh vay mượn thêm rồi mua 1 máy hạ thủy phần mật ong trị giá 540 triệu đồng, trong đó, vốn khuyến công địa phương hỗ trợ 270 triệu đồng. Từ đó, tất cả mật ong trước khi đưa ra thị trường đều được anh lọc tạp chất và chế biến thông qua các thiết bị này. Điều đáng nói là sử dụng công nghệ hạ thủy phần giúp rút bớt nước trong mật nên sản phẩm mật ong đặc hơn và bảo quản được khoảng 2 năm. Do đó, khách hàng càng tin tưởng và đặt mua nhiều hơn. Đến nay, hơn 100 doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong cả nước đã tìm đến đặt mua sỉ sản phẩm mật ong của anh.

Sản xuất kinh doanh hiệu quả, anh Cường thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các hộ nuôi ong trong vùng. Anh Nguyễn Xuân Sang (làng Ia Sik, xã Ia Nhin) cho hay: “Tôi nuôi ong gần 2 năm nay. Được anh Cường chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc và tìm kiếm đầu ra sản phẩm nên tôi yên tâm hơn. Mỗi năm, 100 đàn ong của tôi cho thu khoảng 4-5 tấn mật”. Còn chị Phạm Thị Non (thôn 1, xã Ia Ka) thì chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi 200 đàn ong. Mỗi lần thiếu vốn chăm sóc đàn ong, anh Cường đều cho tôi vay không lấy lãi. Từ tháng 4-2023 đến nay, anh Cường còn hỗ trợ tôi hạ thủy phần mật ong để giảm lượng nước trong mật, giúp nâng cao chất lượng, đặc biệt là đối với mật ong lá keo chứa rất nhiều nước. Nhờ đó, sản phẩm mật ong của gia đình tôi được nhiều khách hàng lựa chọn”.

Sau khi chế biến bằng máy lọc và máy hạ thuỷ phần, mật ong của anh Cường đặc hơn, bảo quản lâu hơn. Ảnh: Nhật Hào

Sau khi chế biến bằng máy lọc và máy hạ thuỷ phần, mật ong của anh Cường đặc hơn, bảo quản lâu hơn. Ảnh: Nhật Hào

Trao đổi với P.V, ông Rơ Châm Chiu-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin-cho biết: “Những năm qua, xã Ia Nhin luôn tạo điều kiện để người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn tín dụng; thành lập các tổ hợp tác; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Riêng đối với nghề nuôi ong, năm 2020, xã đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ong gồm 20 hộ thành viên. Hàng năm, xã phối hợp với ngành chức năng của huyện và các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, cách di chuyển đàn ong và áp dụng công nghệ chế biến mật ong tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Mô hình nuôi ong và chế biến mật ong bằng máy hạ thủy phần của anh Cường mang lại hiệu quả khá cao và được nhiều khách hàng tin tưởng. Đặc biệt, anh cũng thường xuyên trao đổi cùng với các hộ nuôi ong để hỗ trợ nhau kinh nghiệm chăm sóc, tìm kiếm đầu ra sản phẩm”.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Cường cho biết: Anh đang thử nghiệm nuôi ong trên thùng kế. Theo anh Cường, nuôi ong trên thùng đơn, ong sẽ sinh sản và làm mật ở chung một chỗ, mỗi lần quay mật sẽ lẫn các tạp chất. Khi nuôi ong trên thùng kế, ong sinh sản và làm mật tại các vị trí riêng biệt nên mật đặc hơn và hiếm khi bị lẫn tạp chất; đồng thời, người nuôi ong có thể thu mật theo từng bánh tổ ong và đây cũng là một hình thức tạo ra sản phẩm mới chất lượng cao, đáp ứng thị hiếu khách hàng. “Trước mắt, tôi nuôi thử nghiệm 50 đàn ong trên thùng kế. Do chưa có kinh nghiệm nên năng suất thấp, chỉ bằng khoảng 50% năng suất nuôi trên thùng đơn. Song, mật ong thu theo từng bánh tổ bán được giá cao hơn và đang được nhiều khách hàng ưa chuộng. Do đó, thời gian tới, tôi sẽ nghiên cứu thêm kinh nghiệm và mở rộng việc nuôi ong theo hình thức này”-anh Cường nói.

Có thể bạn quan tâm