TN - Đất & Người

Trang phục từ vỏ cây của người Hà Lăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Cho đến năm 1984, việc vận động đồng bào các dân tộc phía Bắc tỉnh Gia Lai-Kon Tum xuống núi định canh, định cư vẫn còn rất gian khổ.

Trong quan niệm bao đời của người dân nơi đây, đỉnh núi là đất của trời, dưới thấp là đất của ma quỷ. Con người chỉ có thể sống ở lưng chừng núi. Nghe lời cán bộ xuống thấp, cố trái lời ông bà cũng được nhưng còn cây lúa thì sao? Trồng lúa trên “đất ma”, ma đâu có để yên cho. Đã có những cuộc xung đột khá căng thẳng giữa người dân với cán bộ. Ông A Gin, khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) cũng nằm trong số này. Trải qua bao khó khăn, cuối cùng nhờ sự quyết đoán và khéo léo, ông A Gin cũng vận động thành công mấy chục hộ người Hà Lăng xuống núi định cư.

Thanh niên làng Đăk Ôn (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) mặc áo làm từ vỏ cây. Ảnh: N.T

Thanh niên làng Đăk Ôn (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) mặc áo làm từ vỏ cây. Ảnh: N.T

Tôi tìm gặp ông A Gin vào một ngày cuối mùa mưa. Nền trời loang lổ, ngổn ngang từng đám mây vần vũ. “Bây giờ, núi rừng đã cạn, không như ngày xưa, áo trời tưởng cũng nát mủn vì mưa. Mà người Hà Lăng (một nhóm người của dân tộc Xê Đăng) mình thời đó ở lưng chừng núi cao. Gió nghe cứ như mũi dao nhọn chọc vào lưng. Áo, khố là vỏ cây, chăn đắp cũng bằng vỏ cây. Không có cách mạng thì cái rét cũng đủ chết người Hà Lăng nói gì đến chuyện đói”-ông A Gin trò chuyện. Một lát sau, ông đứng lên đi vào nhà trong lấy chiếc áo bằng vỏ cây đưa cho tôi xem rồi nói: “Cái áo này là của ông chú, mình giữ lại làm kỷ niệm. Tuổi của áo chắc cũng hơn ba chục mùa rẫy rồi”.

Theo tìm hiểu của tôi, từ xa xưa, các dân tộc ở vùng Bắc Tây Nguyên đã dùng đến thứ áo, khố độc đáo này. Chất liệu để làm là vỏ cây L’ong Ka Phoong. Đó là một loại cây rất hiếm gặp. Ông A Gin kể: Để tìm được nó, những người đàn ông Hà Lăng phải cơm đùm gạo bới vào tít những cánh rừng ở biên giới Việt-Lào. Tìm được cây, họ dùng dao chuốt lớp vỏ cứng bên ngoài, tách lấy phần vỏ lụa mang về. Công việc tiếp theo được giao cho phụ nữ. Đầu tiên, họ dùng chày gỗ đẽo hình răng cưa dần vỏ cây cho thật mềm, đem phơi khô rồi ngâm nước chừng 1 ngày; sau đó vớt lên, lại tiếp tục dùng cây đập cho đến khi tách được từng sợi mềm nhuyễn. Có sợi rồi, họ dùng vỏ cây La Phâ xe thành chỉ xâu từng mảng lại. Với bàn tay khéo léo, sự tỉ mẩn và kiên trì cao độ, người phụ nữ Hà Lăng đã làm nên những bộ quần áo mềm mại. Ngoài khố, áo cho đàn ông, váy áo cho đàn bà, họ còn chế tác nên một kiểu áo liền quần trông xa khá đẹp mắt. Không chỉ là trang phục thường ngày, quần áo vỏ cây còn là thứ áo giáp lợi hại của các chiến binh Hà Lăng. Khi xưa, các tộc người ở Bắc Tây Nguyên thường xảy ra xung đột. Trong các cuộc giao tranh, người Hà Lăng thường giành phần thắng, một phần cũng là nhờ những chiếc áo, khố này. Với độ dày dặn hiếm có, tên bắn khó xuyên, gươm giáo chặt khó đứt, áo vỏ cây đã thực sự là một thứ “giáp trụ” lợi hại của người Hà Lăng.

Ông A Gin nói rằng cho đến những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, nhiều người Hà Lăng vẫn còn dùng loại áo “nguyên thủy” này. Nhưng rồi theo thời gian, bây giờ, có lẽ chỉ mình ông còn lưu giữ được. Cũng là để nói với mọi người rằng, người Hà Lăng muốn no ấm thì phải nghe theo Đảng. Chỉ nhìn những chiếc áo ông bà để lại hôm nay đã đủ biết đời xưa sống khổ thế nào.

Vào quãng năm 2010, sự ngạc nhiên thú vị đã đến với nhiều người khi biết ở làng Đăk Ôn (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) còn lưu giữ được khá nhiều loại trang phục “nguyên thủy” này. Tìm đến làng Đăk Ôn, tôi được biết, làng còn giữ được 12 bộ còn khá mới. “Công nghệ” chế tác cũng chẳng khác những gì tôi được nghe ông A Gin kể, bởi họ cũng là người Hà Lăng. Đã gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn còn phảng phất cái cảm giác khi khoác lên mình tấm áo ấy: Nó nặng cũng phải cỡ trên 5 kg. Và dù cách một lớp áo, tôi vẫn cảm nhận được sự ram ráp của vỏ cây.

Có thể bạn quan tâm