Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Trang sức của người Jrai, Bahnar qua ảnh tư liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Gần đây, một số tư liệu quý về các dân tộc Bắc Tây Nguyên được những người quan tâm, yêu mến vùng đất này chia sẻ trên mạng xã hội. Những hình ảnh, thông tin, tư liệu về dân tộc Jrai, Bahnar được các nhà nhiếp ảnh người Pháp chụp ở tỉnh Kon Tum, Gia Lai qua các thời kỳ dần dần được lộ diện. Trong số này có những bức ảnh khá ấn tượng về trang sức của các tộc người nơi đây.
Trong những năm 1910-1920, vùng đất Tây Nguyên đã được khai phá. Văn hóa tộc người luôn thu hút những nhà thám hiểm, nhà nghiên cứu. Nhà thám hiểm Henri Maitre và Công sứ Marcel Ner đã ghi lại những hình ảnh đầu tiên về người Jrai ở Pleiku. Henri Maitre đã chụp một số ngôi nhà dài của người Jrai và nhà sàn của người Bahnar. Những ngôi nhà chụp trong ảnh cách đây hàng trăm năm nhưng ngày nay loại kiến trúc đó vẫn chưa thay đổi nhiều. Người Bahnar ở huyện Mang Yang, Kông Chro, thị xã An Khê hiện vẫn đang ở những ngôi nhà có lối kiến trúc đặc trưng như vậy. Nhiều bức ảnh khác cũng là tư liệu đáng quý như ảnh một chú bé đang đi cà kheo trong ngôi làng gần Pleiku, kiến trúc nhà mồ, biểu diễn cồng chiêng trong một lễ hội, trang phục của phụ nữ. Đặc biệt là một bức ảnh khá sắc nét chụp chân dung 2 người phụ nữ Jrai Hdrung ở Chư Sê. Chi tiết đáng giá của bức ảnh là tác giả ghi lại phục sức truyền thống của phụ nữ dân tộc Jrai lúc bấy giờ. Cả 2 người đều mặc váy tấm, giắt múi về hai bên, đeo vòng bạc trên cổ, đeo khuyên tai bằng ngà voi. Đáng chú ý là người phụ nữ đứng bên phải của bức ảnh đeo 2 chiếc vòng ống ở 2 cổ tay. Trong kho tàng di sản ảnh về dân tộc Jrai, có những bộ ảnh về các Vua Lửa, tiêu biểu như Vua Lửa Siu An Y-ot của Thư viện Đông Dương (Pháp). Người ta thấy trong đó có cả hình ảnh bà vợ của Siu An Y-ot. Những món đồ trang sức mà bà vợ Vua Lửa đeo là khuyên tai lớn bằng ngà voi, vòng bạc ở cổ tay.
Phục sức của phụ nữ dân tộc Jrai Hdrung ở Chư Sê thập niên 1920. Ảnh: Henri Maitre
Phục sức của phụ nữ dân tộc Jrai Hdrung ở Chư Sê thập niên 1920. Ảnh: Henri Maitre
Nhà nhân học người Pháp Jacques Dournes cũng đã chụp nhiều ảnh tư liệu về dân tộc Jrai trong những năm 1950-1960 và công bố trong tập sách có tựa đề Xứ Jrai. Tác giả có nhiều bức ảnh khắc họa trang sức của các sơn nữ, đặc biệt là trang sức bằng ngà voi. Qua đó cho thấy, đồ trang sức làm bằng ngà voi là thứ không thể thiếu của người Jrai ngày xưa. Qua nghiên cứu điền dã cho thấy, vào những năm cuối thế kỷ XX, một số phụ nữ Jrai ở Chư Prông có đeo món trang sức này và cũng là những người cuối cùng làm đẹp bằng bông tai ngà voi. Đồ trang sức quý hiếm này đã được sưu tầm và đang được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Gia Lai. 
Ảnh 2 Người mẹ trẻ dân tộc Bahnar với chiếc vòng ống trên cổ tay
Người mẹ trẻ dân tộc Bahnar với chiếc vòng ống trên cổ tay. Ảnh: Daniel Léger
Bộ ảnh nhân học về người Bahnar-Rơngao, một nhóm địa phương thuộc dân tộc Bahnar, cư trú ở phía Bắc Tây Nguyên, có giá trị đặc sắc, gần đây được nhiều người biết đến, lại được thực hiện bởi một cha lễ tên là Daniel Léger (1915-1980). Phần lớn trong bộ ảnh này là hình ảnh cuộc sống của người dân, buôn làng còn lưu giữ dấu ấn cổ xưa vùng Bắc Tây Nguyên như: làng Dak Yak, Dak Moi, Dak Rao, Kon Krê, Kon Mah, Kon Bahar... Do thay đổi địa giới hành chính, một số ngôi làng ấy ngày nay thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Daniel Léger đã đưa vào ống kính nhiều bức ảnh sắc nét mô tả trang phục, trang sức của đồng bào Bahnar như vòng cổ, khuyên tai, đặc biệt là vòng ống đeo ở cổ tay. Qua ảnh tư liệu cho thấy, ngày xưa, cả dân tộc Jrai và Bahnar đều dùng trang sức vòng ống, loại vòng làm bằng đồng, quấn lại thành hình chóp cụt, đeo ở cổ chân, cổ tay. Đây là loại hình trang sức cổ xưa, có từ thời Văn hóa Đông Sơn, khá phổ biến ở nhiều tộc người vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Ngày nay, những chiếc vòng ống như vậy rất hiếm thấy ở các tộc người thiểu số vùng Tây Nguyên. Trong ảnh tư liệu xưa còn thấy các dân tộc Jrai, Bahnar mặc những tấm choàng bằng thổ cẩm. Sinh hoạt đời thường hay vào dịp lễ hội, nam giới thường khoác tấm choàng rộng che chở phần trên của cơ thể. Đây cũng là loại hình trang phục cổ xưa, có tính đa năng, trước khi đồng bào biết đến các loại áo may mặc kiểu chui đầu, cài buộc.
Qua ảnh tư liệu còn cho thấy, nhiều tập quán trang sức phản ánh nét đặc trưng về bản sắc tộc người dân tộc Jrai, Bahnar đến nay vẫn còn được kế thừa. Tuy nhiên, theo thời gian, một số loại hình phục sức cổ xưa như tục đeo ngà voi, đeo vòng ống... được xem như là tiêu chí làm đẹp, sang trọng, là bảo vật không thể thiếu của người phụ nữ thì ngày nay đã vắng bóng trong đời sống cộng đồng. Nó chỉ còn thấy trong ảnh tư liệu hay hiện vật trưng bày ở các bảo tàng tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm