Giáo dục

Trang web “Cùng nhau học tập”: Thêm giải pháp hỗ trợ dạy, học trực tuyến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trang web “Cùng nhau học tập” do em Nguyễn Minh Hiếu (lớp 10A7, Trường THPT Chi Lăng, TP. Pleiku) tạo lập đã trở thành nơi để các bạn học sinh cùng giao lưu học hỏi, trao đổi kiến thức, thỏa mãn đam mê khám phá kiến thức khoa học giáo dục và kiến thức cuộc sống.

Đầu năm 2023, Nguyễn Minh Hiếu bắt đầu lên ý tưởng cho dự án của mình. Theo Hiếu, với sự phát triển của công nghệ và internet, việc học không còn gói gọn tại trường hay trung tâm mà hiện đã có nhiều phương pháp để giúp học sinh tiếp cận kiến thức. Một trong những cách thức đó là học trực tuyến.

Việc thiết kế website học trực tuyến giúp học sinh nhanh chóng bắt kịp xu thế, tận dụng tối đa các thế mạnh của hình thức này để cập nhật, bổ sung kiến thức nhanh chóng.

Đồng thời, thông qua nền tảng công nghệ hiện đại, nhà trường có thể dễ dàng thu thập thông tin, hiểu được nhu cầu của người học để cải thiện bài giảng hay nền tảng dạy-học trực tuyến; quản lý việc học của học sinh tốt hơn, tiết kiệm thời gian cho giáo viên trong khâu chấm bài…

Em Nguyễn Minh Hiếu-lớp 10A7, Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) tạo lập nên trang web “Cùng nhau học tập”. Ảnh: M.K

Em Nguyễn Minh Hiếu-lớp 10A7, Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) tạo lập nên trang web “Cùng nhau học tập”. Ảnh: M.K

“Em nhận thấy, hiện nay các website về giáo dục xuất hiện nhiều nhưng những trang dành cho học sinh tương tác với nhau còn hạn chế. Vì vậy, em lập website này để học sinh và thầy-cô giáo đều có thể tương tác với nhau về các nội dung bài học, nâng cao kiến thức phục vụ học tập và cuộc sống. Khi lên ý tưởng, em được thầy-cô giáo tận tình hướng dẫn và các bạn đồng lòng ủng hộ”-Hiếu chia sẻ.

Ở dự án này, Hiếu đã sử dụng ngôn ngữ lập trình Python (cụ thể là Django) để xử lý yêu cầu người dùng gửi đến và HTML, CSS, Javascript, Boostrap 4 để xây dựng giao diện. Sau đó, em lên ý tưởng và những chức năng cho trang về học tập và tiến hành khởi tạo project, apps, cấu hình cài đặt.

Hiếu đặc biệt lưu ý tới cấu trúc lưu trữ dữ liệu và khởi tạo urls, views để xử lý yêu cầu từ người dùng. Khi nội dung hiển thị đến người dùng, Hiếu bắt đầu thử nghiệm với dữ liệu ảo và sửa lỗi. Bước cuối cùng, Hiếu triển khai lên web hosting (dịch vụ lưu trữ trang web) và chạy thử nghiệm đối với người dùng thật.

Tham gia vào trang web “Cùng nhau học tập”, em Bùi Tiến Phong (lớp 10A7) cho rằng: “Trang web sử dụng dịch vụ hosting của PythonAnywhere để triển khai nên rất dễ sử dụng, cung cấp giao diện người dùng thân thiện.

Trang web cung cấp các công cụ quản lý dự án như: Terminal, File Editor... giúp quản lý mã nguồn một cách thuận tiện. Dự án này cung cấp những tính năng phục vụ cho quá trình học tập của các bạn học sinh như: viết bài, hỏi đáp, kiểm soát công việc…”.

Trang web là nơi để học sinh và thầy cô giáo tương tác với nhau về các nội dung học tập, nâng cao kiến thức phục vụ học tập và cuộc sống. Ảnh: Mai Ka

Trang web là nơi để học sinh và thầy cô giáo tương tác với nhau về các nội dung học tập, nâng cao kiến thức phục vụ học tập và cuộc sống. Ảnh: Mai Ka

Cùng chung nhận định, em Đặng Thái Kim (lớp 10A7) cho biết: “Trang web “Cùng nhau học tập” do bạn Hiếu tạo lập rất hữu ích đối với chúng em, nhất là với những bạn đang theo đuổi ngành tin học, lập trình…

Trang web này là nơi mọi người có thể cùng nhau học hỏi bởi nó được tích hợp những chức năng phục vụ cho việc học tập của học sinh. Sử dụng hệ quản trị cơ sở dữ liệu SQLite gọn nhẹ nên mọi người có thể truy cập bằng mọi thiết bị từ máy tính đến điện thoại”.

Theo định hướng, để phát triển trang web, Hiếu sẽ mua hosting và tên miền khi có nhiều người dùng sử dụng hàng tháng. Đồng thời, thêm hệ thống “Xác thực Email” và chức năng thông báo đến thiết bị người dùng; sử dụng API của chatGPT để tự động trả lời câu hỏi.

“Em đã lập trình thành công trang web “Cùng nhau học tập” nhằm tạo ra một môi trường học tập trực tuyến dành cho các bạn học sinh để cùng nhau tiến bộ, kích thích tinh thần tự học, khả năng sáng tạo và tiếp cận sớm công nghệ thông tin trong thời đại 4.0. Em hy vọng dự án ngày càng lan tỏa rộng rãi và hoàn thiện tối ưu hơn nữa”-Hiếu cho hay.

Nhận xét hiệu quả từ trang web “Cùng nhau học tập”, thầy Đỗ Viết Huy-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng-cho biết: “Em Nguyễn Minh Hiếu xây dựng trang web này đã tạo sân chơi bổ ích cho các bạn học sinh trao đổi, nâng cao kiến thức phục vụ học tập, thi cử và cuộc sống. Từ dự án này, học sinh cùng giúp nhau tiến bộ, kích thích khả năng tự học, sáng tạo thông qua các bài viết.

Việc thiết kế website học trực tuyến sẽ có nhiều lợi ích, giúp nhà trường có thể dễ dàng thu thập thông tin, hiểu được nhu cầu của các em để có thể cải thiện bài giảng hay tận dụng công nghệ quản lý việc học tốt hơn, tiết kiệm thời gian cho giáo viên”.

Với hiệu quả thiết thực đó, Dự án trang web “Cùng nhau học tập” của Nguyễn Minh Hiếu đã xuất sắc giành giải nhất ở bảng D2 đối với sản phẩm sáng tạo trong Hội thi Tin học trẻ tỉnh Gia Lai lần thứ XXII-2023 và giải khuyến khích tại Cuộc thi Sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh năm 2023.

Có thể bạn quan tâm