Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Tranh cử lần thứ năm, điều gì đang chờ Tổng thống Putin?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Theo Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đối mặt những thách thức về kinh tế trước lần tái tranh cử vào tháng 3-2024.

Ngày 8-12, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ra tái tranh cử vào năm 2024.

Tuy nhiên, ông được cho là phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong nước, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm lại, tăng trưởng thu nhập không đồng đều, lạm phát, lo ngại về đồng rúp và giá dầu.

Tổng thống Putin xác nhận tái tranh cử trong bài phát biểu ngày 8-12. Ảnh: Reuters

Tổng thống Putin xác nhận tái tranh cử trong bài phát biểu ngày 8-12. Ảnh: Reuters

Thiếu hụt lao động

Việc Nga tổng động viên vào năm ngoái khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khiến tình trạng thiếu hụt lao động thêm trầm trọng, đặc biệt là trong các lĩnh vực tay nghề cao như công nghệ thông tin. Điều này cũng đẩy tỉ lệ thất nghiệp xuống mức thấp kỷ lục: 2,9%.

Giám đốc cơ quan xếp hạng ACRA Dmitry Kulikov dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm của Nga sẽ giảm từ khoảng 3% vào năm 2023 xuống gần mức 1-2%.

Tăng trưởng GDP chậm lại

Hôm 7-12, Tổng thống Putin ca ngợi sức khỏe nền kinh tế của Nga, coi các lệnh trừng phạt của phương Tây là "một cuộc tấn công dữ dội nhưng không giáng được đòn có ý nghĩa nào". Điều này có được một phần nhờ doanh thu từ dầu mỏ.

GDP của Nga dự kiến tăng 3,5% trong năm nay, theo Tổng thống Putin, tăng từ mức 2,1% vào năm 2022.

Về lâu dài, cả dự báo của Nga và bên ngoài đều cho rằng tiềm năng tăng trưởng của Nga sẽ giảm bớt. Reuters dẫn lời các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng GDP của Nga sẽ chậm lại ở mức 1,2% vào năm 2024.

Tăng trưởng thu nhập không đồng đều

Thu nhập thực tế khả dụng được xem là vấn đề nhạy cảm trước các cuộc bầu cử ở Nga. Nhưng sau khi sụt giảm vào năm 2022, thu nhập thực tế dự kiến phục hồi mạnh mẽ trong năm nay nhờ mức lương tăng đáng kể trong ngành sản xuất và quân đội cũng như việc Nga hỗ trợ tài chính cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi chiến sự và lệnh động viên.

Bản chất của những bước nhảy vọt này là tăng trưởng thu nhập không đồng đều giữa các ngành nghề và khu vực, khiến nhiều gia đình vẫn phải kiếm sống khó khăn.

Lạm phát

Giá cả tăng là vấn đề nhạy cảm đối với người tiêu dùng và là lĩnh vực quan tâm chính của Ngân hàng Trung ương Nga. Reuters cho biết ngân hàng này đã buộc phải thắt chặt tiền tệ 750 điểm cơ bản kể từ tháng 7 và được cho là sẽ tăng lãi suất trở lại lên 16% vào ngày 15-12 tới.

Lạm phát ở Nga dự kiến ở mức khoảng 7,5% vào cuối năm nay sau khi tăng hai con số vào năm 2022, vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 4% của Ngân hàng Trung ương Nga. Điều này có nghĩa là Nga cần duy trì lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để đưa lạm phát trở lại mục tiêu.

Đồng rúp

Thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson và Trường Kinh tế Kiev (KSE) Elina Ribakova cho biết: "Các nhà chức trách Nga lo ngại về đồng rúp vì họ đã áp dụng lại các biện pháp kiểm soát vốn và Ngân hàng Trung ương Nga buộc phải tăng lãi suất".

Tổng thống Putin đã ban hành sắc lệnh vào tháng 10 vừa qua, ra lệnh cho một số nhà xuất khẩu chuyển đổi một số nguồn thu ngoại tệ. Ngân hàng Trung ương Nga cũng tăng lãi suất khẩn cấp 350 điểm cơ bản vào tháng 8 năm nay khi đồng rúp giảm mạnh còn hơn 100 rúp đổi 1 USD.

Giá dầu

Một điều khiến Điện Kremlin cảm thấy thoải mái là giá dầu, huyết mạch của nền kinh tế Nga, hiện cao hơn nhiều so với mức Nga cần để đảm bảo an ninh tài chính.

Một loạt đợt cắt giảm sản lượng của các nước OPEC+ và việc lách trần giá của phương Tây trên diện rộng đều gián tiếp thúc đẩy doanh thu năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, nếu phương Tây tìm cách gây khó dễ, Nga có thể đối mặt thách thức lớn nhất, dẫn tới đe dọa triển vọng tăng trưởng và giảm nguồn thu ngân sách.

Có thể bạn quan tâm