Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Trao truyền nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mẹ truyền-con nối là một trong những cách lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của nhiều gia đình người Jrai ở Pleiku. Từ đời này qua đời khác, họ dành hết tâm huyết để bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.
Bên khung dệt sẫm màu thời gian của người mẹ quá cố để lại, bà H’Blach (làng Chuét Ngol, xã Chư Á) tỉ mẩn kiểm tra những đường nét hoa văn trên tấm vải mà bà vừa bất chợt nghĩ ra. Gần 90 tuổi, bà H’Blach được xem là nghệ nhân có đôi bàn tay khéo léo nhất làng. Gia đình bà cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con, từ con gái đến con dâu. “Dệt thổ cẩm không chỉ là làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Jrai. Mẹ đã dạy cho tôi dệt vải từ năm 13 tuổi. Giờ tôi truyền dạy lại cho con cháu với mong muốn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình”-bà H’Blach tâm sự.
Bà H’Blach (90 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á) phấn khởi vì thế hệ con cháu mình đều theo học nghề dệt. Ảnh Trần Dung
Bà H’Blach (90 tuổi, làng Chuet Ngol, xã Chư Á) phấn khởi vì thế hệ con cháu mình đều theo học nghề dệt. Ảnh: Trần Dung
Chị H’Lah là 1 trong 6 người con gái của bà H’Blach. Với chị, hình ảnh mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi. Chị kể: “Năm tôi lên 10 tuổi, mẹ bảo, người phụ nữ Jrai có đôi bàn tay khéo léo và sự chăm chỉ, sáng tạo nên những tấm vải họ dệt ra cũng nhiều màu sắc và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Tôi tò mò theo mẹ làm quen với khung cửi với mong muốn trở thành người phụ nữ khéo léo và sáng tạo”. Rồi chị em H’Lah lần lượt lớn lên và trở thành những thợ dệt giỏi của làng. Các chị cùng mẹ thường tranh thủ dệt vải vào cuối ngày hay lúc nông nhàn, vừa để giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập.
Cách đó không xa, mẹ con bà H’Yưt cũng miệt mài bên khung cửi. Với bà H’Yưt, việc thuyết phục con gái H’Nguyệt học dệt cũng không mấy khó khăn. Bà chia sẻ: “Kỹ thuật dệt thổ cẩm rất công phu, không chỉ ngày một ngày hai mà có thể nắm được. Vì vậy, mình dạy cho con theo phương pháp “mưa dầm thấm lâu”, mỗi ngày một ít”. Với cách truyền dạy nhẹ nhàng ấy của mẹ, chị H’Nguyệt đã biết dệt tự lúc nào không hay. Chị chỉ nhớ rằng, mỗi ngày được mẹ cầm tay chỉ thêm cho vài đường nét hoa văn, biết thêm một vài cách dệt độc đáo. Năm nay 27 tuổi, chị đã thuần thục hết kỹ thuật dệt. Chị và mẹ cùng được chọn tham gia Tổ hợp tác dệt thổ cẩm của xã Chư Á.
Mẹ con bà H’Yưt bên khung dệt. Ảnh: Trần Dung
Mẹ con bà H’Yưt bên khung dệt. Ảnh: Trần Dung
Cũng tha thiết lưu giữ nghề dệt thổ cẩm Jrai qua hình thức mẹ truyền-con nối nhưng bà H’Thá (70 tuổi, làng Ốp, phường Hoa Lư) từng thất vọng khi các con không mấy mặn mà với nghề này. Bà không nhớ đôi tay mình đã dệt bao nhiêu chiếc khăn, chiếc váy, có khi tặng, có khi bán cho người để làm quà biếu đi khắp nơi. Trong khi đó, các con của bà chỉ mê mải với những bộ đồ thời trang hiện đại. Bà cho biết: “Khi là một nghệ nhân dệt thổ cẩm thì niềm mong mỏi lưu giữ nghề càng mạnh mẽ. Hy vọng, nghề dệt thổ cẩm sẽ được gìn giữ như một tài sản quý báu của người Jrai nói chung, gia đình mình nói riêng. Để các con thay đổi suy nghĩ, trong các ngày hội do địa phương tổ chức, mình đều tham gia dệt và đạt giải. Đó cũng là cách mà mình thu hút các con yêu thích và học nghề dệt”.
Rồi những nỗ lực của bà H’Thá cũng được đền đáp. Hiện nay, con gái và con dâu của bà đều đã làm quen với khung cửi. Chị H’Danh (con dâu bà H’Thá) cho hay: “Ngày mới về làm dâu, tôi chưa biết dệt. Nay nhờ mẹ chồng chỉ dẫn mà tôi đã thành thạo. Qua lời mẹ kể, chị em tôi đã hiểu được tâm tư của mẹ, sẽ cố gắng dệt giỏi và truyền dạy lại cho thế hệ cháu con sau này”.
Trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, trong các hoạt động văn hóa, đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, những tấm vải dệt công phu được nhiều người yêu thích và đặt mua. Điều này đã phần nào tạo động lực, khơi gợi sự đam mê cho thế hệ trẻ tiếp nối nghề truyền thống. Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm là nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống sinh hoạt của đồng bào Jrai. Tại nhiều ngôi làng, nghề dệt thổ cẩm được chị em phụ nữ lưu truyền và phát triển. Để gìn giữ và phát huy nghề tại địa phương, cấp ủy và chính quyền đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ, nhất là các con cháu trong gia đình”.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm