(GLO)- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phần lớn thời gian trong năm học 2021-2022, học sinh mầm non phải tạm dừng đến trường. Điều này khiến không ít phụ huynh có con 5 tuổi thấy lo lắng và đổ xô tìm đến các lớp dạy “tiền lớp 1” cho trẻ.
17 giờ, sau khi đón con trai tan học từ trường mầm non, chị Lê Thị Tuyết Mai (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho bé ăn uống nhẹ rồi chở đến lớp “tiền tiểu học”. Việc này được chị duy trì đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần với mong muốn chuẩn bị cho con một hành trang vững vàng để bước vào lớp 1 sau 4 tháng nữa. Chị Mai chia sẻ: “Trong thời gian nghỉ ở nhà để phòng-chống dịch Covid-19, cô giáo vẫn đều đặn gửi video clip trong nhóm Zalo phụ huynh để cho trẻ xem và học. Tuy nhiên, khả năng tiếp thu của bé còn hạn chế. Vì vậy, ngoài chỉ dạy tại nhà, tôi cho con đến nhà cô giáo để học thêm, chủ yếu là nhận biết mặt chữ, số đếm, đọc và viết. Hy vọng khi lên lớp 1, con sẽ bắt nhịp được với chương trình học”.
Lướt qua một số diễn đàn trên mạng xã hội, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những trăn trở, băn khoăn của nhiều phụ huynh về vấn đề này. Việc nên hay không cho trẻ học “tiền lớp 1” cũng được các bậc cha mẹ đưa ra bàn thảo sôi nổi. Phần đông phụ huynh cho rằng “học thừa hơn thiếu”. Đó là điều rất cần thiết để con có được những kỹ năng “lớp 1” cơ bản sau thời gian dài không thể đến trường do dịch bệnh. Một số khác lại quan điểm không nên tạo cho con áp lực quá sớm với việc học tập, dễ dẫn đến việc các cháu sẽ chán nản, sợ học, ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của trẻ sau này.
Học sinh lớp 1 luôn được giáo viên quan tâm, hỗ trợ để học tập tốt theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh: Mộc Trà |
Theo tìm hiểu của P.V, những tháng gần đây, khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, các lớp “tiền tiểu học”, “tiền lớp 1” tại gia hoặc tại trung tâm ra đời ngày càng nhiều. Hầu hết đều tổ chức dạy 5 buổi/tuần (từ thứ hai đến thứ sáu) và chia thành nhiều ca để phù hợp các đối tượng học sinh khác nhau; mỗi ca có khoảng 10-20 trẻ theo học. Nội dung khóa học chủ yếu là nhận biết chữ cái, tập viết chữ và làm bài tập Toán. Trong quá trình học, trẻ sẽ được hỗ trợ miễn phí bộ luyện chữ, bút mực, bút chì... cùng các tài liệu học tập liên quan. Học phí dao động 600-700 ngàn đồng/tháng/trẻ.
Nhìn nhận về vấn đề này, cô Phan Thị Bích Hòa-giáo viên Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (thị xã An Khê) phân tích: Tôi dạy học sinh lớp 1 đã hơn 30 năm. Hiện nay, lớp 1 đang học theo chương trình, sách giáo khoa mới, cộng với việc trẻ mầm non phải nghỉ học quá lâu để phòng-chống dịch Covid-19 nên đã khiến nhiều bậc cha mẹ lo lắng, cho con học “tiền lớp 1”, thậm chí còn học trước cả sách Toán và Tiếng Việt lớp 1. Theo tôi, điều này không thật sự cần thiết. Đó là chưa kể, nếu người dạy thiếu chuyên môn, nghiệp vụ hoặc chưa được bồi dưỡng theo yêu cầu của chương trình và sách giáo khoa mới đối với lớp 1 thì vô tình lại khiến trẻ bị đảo lộn phương pháp học tập, khó thích nghi khi bước vào bậc tiểu học. Phụ huynh hãy yên tâm rằng, khi vào lớp 1, trẻ sẽ có thời gian để lĩnh hội những kỹ năng và kiến thức đảm bảo theo chương trình. Học sinh nào tiếp thu chậm hơn, giáo viên sẽ quan tâm và tìm phương pháp phù hợp để giúp các em tiến bộ.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Phương Huệ-Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Năm học 2021-2022, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bậc học mầm non trong tỉnh phải nghỉ học. Theo quy định, các trường không tổ chức dạy trực tuyến cho trẻ mà chỉ xây dựng các video bài học ngắn, phối hợp với phụ huynh để chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ tại nhà. Khi dịch bệnh được kiểm soát, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, phần lớn các địa phương đều đã đón trẻ đến trường học trực tiếp, riêng 2 thị xã An Khê, Ayun Pa và TP. Pleiku có chậm hơn. Theo quy định về khung thời gian năm học 2021-2022 do UBND tỉnh phê duyệt, các cơ sở giáo dục mầm non có thể kết thúc năm học trước ngày 31-5. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến của các trường, nhất là những đơn vị phải cho trẻ nghỉ ở nhà thời gian dài để phòng-chống dịch Covid-19 về việc kéo dài năm học thêm 2 tuần để có thời gian củng cố, tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho trẻ.
“Tâm lý lo lắng của phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 là điều dễ hiểu. Thế nhưng, theo chương trình giáo dục mầm non, trẻ ở độ tuổi này chỉ cần được phát triển các phẩm chất cá nhân như tự lực, tự tin, độc lập; một số kỹ năng sống và kiến thức cơ bản. Về Toán, chỉ cần nhận biết số lượng và đếm được trong phạm vi 10; làm quen với bảng chữ cái và tập tư thế ngồi, cầm bút... Với sự nỗ lực của ngành Giáo dục và các trường, chắc chắn sẽ đảm bảo cho trẻ chuẩn kỹ năng cần thiết để lên bậc tiểu học theo quy định. Do đó, phụ huynh không nên quá nóng vội cho con học “tiền lớp 1” để tạo áp lực không cần thiết cho trẻ”-bà Huệ khẳng định.
MỘC TRÀ